Tuy vậy, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn của Việt Nam để phục vụ công tác dự báo hiện nay còn thưa, công nghệ cũ, lạc hậu, phát triển mạng lưới chưa đồng bộ, chưa phù hợp với xu thế phát triến của thế giới.
Nhân viên của Đài duy tu, bảo dưỡng máy đo mưa, đo bức xạ, đo nhiệt độ tự động. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Xu thế trên thế giới Hiện đa số các nước trên thế giới đều có hệ thống dự báo khí tượng thủy văn tiên tiến sử dụng các trạm khí tượng tự động với độ chính xác cao, giá thành hợp lý và cấu hình linh hoạt giúp các cơ quan khí tượng thu thập số liệu kịp thời cho các mô hình dự báo.
Việc ứng dụng các công nghệ và thiết bị mới trong đo đạc thu thập số liệu trên cao như các thiết bị đo gió cắt lớp, định vị sét và GPS đo độ ẩm đã bổ sung làm phong phú số liệu khí tượng trên cao, phục vụ rất hiệu quả cho phân tích dự báo.
Hệ thống rađa thời tiết thế hệ mới kết hợp với mạng lưới đo mưa mặt đất có thể ước lượng lượng mưa tức thời khá chính xác trên diện rộng. Các rađa Đốp-le có thể cung cấp thông tin về gió trên cao khá chi tiết trong phạm vi cho phép.
Vệ tinh khí tượng với những thiết bị hiện đại cho phép quan sát chi tiết và đầy đủ hơn các yếu tố khí tượng trên phạm vi rộng lớn mà mạng lưới trạm quan trắc không thực hiện được. Bên cạnh đó, các vệ tinh thế hệ mới hiện nay ngoài ảnh mây còn cung cấp số liệu về gió và nhiệt độ mặt biển toàn cầu.
Công nghệ thông tin liên lạc với những tiến bộ vượt bậc đã được sử dụng rộng rãi trong ngành khí tượng thủy văn trên thế giới. Mạng viễn thông toàn cầu (GTS) của Tổ chức Khí tượng thế giới đã được cải tổ và ứng dụng những công nghệ mới bảo đảm liên lạc tối ưu giữa các trung tâm khí tượng thủy văn trên thế giới.
Các trung tâm khí tượng thế giới và khu vực đều có nhiều đường truyền băng thông rộng và tốc độ cao. Những công nghệ viễn thông mới như Internet, vi ba và vệ tinh thu thập được số liệu tức thời từ trạm khí tượng thủy văn ở bất kỳ địa điểm nào.
Công nghệ thông tin liên lạc mới cũng cho phép cung cấp thông tin khí tượng thủy văn cho nhiều đối tượng được kịp thời với nhiều dạng thức khác nhau từ truyền thống đến dạng số hoá.
Công nghệ dự báo cũng phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều kỹ thuật mới trong xử lý số liệu có thể tích hợp các loại số liệu quan trắc khác nhau đã hỗ trợ rất nhiều cho những người làm dự báo.
Phương pháp dự báo tiên tiến với nhiều loại mô hình dự báo rất chi tiết cả về không gian lẫn thời gian đang trở thành phương pháp chủ đạo ở nhiều trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trên thế giới.
Dự báo khí tượng thủy văn hiện nay có thể dự báo với các thời hạn từ hàng giờ đến hàng tháng và năm. Chất lượng dự báo hạn ngắn đã được nâng cao, đồng thời dự báo hạn dài với hạn dự báo mùa hoặc năm ngày càng phổ biến.
Những tiến bộ về khoa học công nghệ nói trên đã và đang được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Đây là cơ hội và thuận lợi lớn đối với ngành khí tượng thủy văn Việt Nam trong việc tiếp cận và tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng vào thực tiễn triển khai nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn.
Phát triển hệ thống ở Việt Nam Kiểm tra hoạt động của máy đo hướng và tốc độ gió ở Trạm khí tượng thủy văn Trường Sa. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Để dự báo chính xác, kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, việc phát triển hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu rất quan trọng.
Mạng lưới của Việt Nam đã được phát triển trên 110 năm và luôn được nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp... bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách, vốn ODA.
Đến nay mạng lưới có 186 trạm khí tượng; 1.322 điểm đo mưa, 7 trạm ra đa thời tiết; 6 trạm thám không vô tuyến; 8 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học; 3 trạm ô- zôn – bức xạ cực tím; 3 trạm thủy văn.
Theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mặc dù đã góp phần không nhỏ trong hoạt động dự báo, cánh báo sớm, nhưng mạng lưới quan trắc của chúng ta đang tồn tại một số vấn đề, như nhiều công nghệ đang sử dụng trong hệ thống, nhiều hình thức quan trắc khác nhau đối với một loại số liệu.
Để đáp ứng yêu cầu cung cấp số liệu cho công tác dự báo, phân tích số trị của ngành khí tượng thủy văn trong thời gian tới, việc phát triển dầy hóa mạng lưới, đổi mới công nghệ cần một cách làm mới để đưa mạng lưới vào khai thác sử dụng.
Để có mạng lưới quan trắc với mật độ đủ dầy vào 2020 và tầm nhìn 2030, cần có 781 trạm quan trắc khí tượng thủy văn và 9.855 trạm đo mưa…
Bởi trong khoảng 10 năm qua, vấn đề phát triển hệ thống này của Việt Nam còn tồn tại về công nghệ, vì hầu hết phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, được đầu tư rải rác trong nhiều năm; tồn tại nhiều công nghệ khác nhau, thiết bị khác nhau, không đồng nhất về định dạng dữ liệu.
Nên hiện nay, việc nâng cấp, mở rộng, xây mới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu cần được ưu tiên. Trong đó các giải pháp công nghệ sẽ là chìa khóa đối với mục tiêu nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai ở nước ta.
Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là mục tiêu chính của các cơ quan quản lý nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, trong đó công tác giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai nguy hiểm đóng vai trò quan trọng. Nhưng công tác này ở nước ta hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, chưa bắt kịp với khu vực và thế giới.