Lộ trình thực hiện việc giảm dần phương tiện giao thông cá nhân đang được thành phố Hà Nội khẩn trương đưa vào cuộc sống. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5953/QĐ-UBND ngày 24/8 đã đặt ra mục tiêu phải có giải pháp quản lý phương tiện giao thông một cách cụ thể và khả thi. Đồng thời, có lộ trình và các điều kiện cần thiết nhất nhằm hạn chế hiệu quả phương tiện cá nhân, tiến tới dừng hoạt động xe máy trong khu vực nội thành.
Đề án trên cũng đã nêu 6 nhóm giải pháp; trong đó, đáng chú ý là các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện và quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện. Về quản lý phương tiện, thành phố sẽ lập Quy hoạch phát triển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn đến năm 2030, trước mắt lập Quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi để bảo đảm phát triển, duy trì số lượng xe hợp lý; đồng thời, siết chặt quản lý phương tiện cá nhân bằng những biện pháp như rà soát, xử lý những xe máy không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Những xe tự hoán cải hoặc xe quá niên hạn không đăng ký, đăng kiểm mà lưu hành trên đường cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Về kiểm soát phạm vi hoạt động của phương tiện, thành phố sẽ rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động các phương tiện nhằm tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng. Thành phố sẽ triển khai phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới mục tiêu đến năm 2030, dừng hoạt động xe máy trong khu vực nội thành. Cùng với quy định hành chính, thành phố sẽ áp dụng thêm các biện pháp về kinh tế. Cụ thể, sẽ ban hành giá dịch vụ trông giữ phương tiện lũy tiến theo giờ, theo khu vực (dự kiến thực hiện vào năm 2018). Lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc cao và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới hoạt động (sẽ triển khai trong giai đoạn từ 2017 đến 2020).
Để bảo đảm tính khả thi cho việc hạn chế xe máy nói riêng và phương tiện cơ giới cá nhân nói chung, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, đồng thời ban hành các chính sách thu hút, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Theo kinh nghiệm Nhật Bản, để có được một hệ thống giao thông công cộng phát triển phải mất hơn 100 năm với kinh phí đầu tư nhiều không tính xuể và hiện nay vẫn đang phải tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hệ thống. Với thực tế của Việt Nam, trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho ngành giao thông vận tải còn hạn hẹp thì việc phát triển xe buýt được xác định là giải pháp chiến lược để dần thay thế phương tiện cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
Tuy nhiên, muốn thu hút được hành khách thì xe buýt phải thể hiện được tính ưu việt hơn hẳn phương tiện cá nhân, nghĩa là xe buýt phải có không gian hoạt động riêng và quyền ưu tiên trên mọi tuyến đường, giảm được thời gian di chuyển, tăng tính hiệu quả. Khi xe buýt tiện lợi cho người dân trong việc di chuyển với chi phí đi lại thấp người dân sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân, hạn chế được mật độ lưu thông của ôtô, xe máy trên đường, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, để thực hiện được mục tiêu trên thì các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần khẳng định chủ trương lấy phát triển vận tải khách công cộng làm khâu trung tâm trong hệ thống giao thông đô thị, nhanh chóng chuẩn bị lập quy hoạch tổng thể phát triển vận tải khách công cộng thành phố đến năm 2030, quyết tâm hoàn thành và đưa vào vận hành các tuyến BRT và đường sắt đô thị trong thời gian sớm nhất.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; điều chỉnh giờ học, giờ làm; tuyên truyền, tuần tra và xử lý vi phạm; phát triển vận tải hành khách công cộng; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức điều hành giao thông… nên số “điểm đen” ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đã giảm từ 124 điểm (năm 2011) xuống còn 33 điểm như hiện nay.
Tuy nhiên, chuyển biến trên vẫn chưa thực sự bền vững, trên địa bàn vẫn còn nguy cơ phát sinh thêm nhiều điểm ùn tắc, đặc biệt là các trục đường hướng tâm như đường Giải Phóng, Lê Văn Lương - Giảng Võ, Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng... đang tiếp tục cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Bài 3: Để xe buýt đóng vai trò chủ lực