Đoàn công tác đã đi thực tế kiểm tra những thiệt hại về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản do ảnh hưởng sóng biển, gió lốc tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, thăm hỏi động viên gia đình các hộ dân bị tử vong, thiệt hại tài sản do sóng biển, gió lốc.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên: Đợt mưa lớn kèm theo gió giật mạnh (cấp 6-7) trong hai ngày 30 và 31/3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông, ngư nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh có trên 117 ghe, tàu đánh cá công suất nhỏ (chiều dài dưới 15m) của ngư dân 4 địa phương ven biển (Tuy Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu) bị gió lốc, sóng biển đánh chìm; 2.450 lồng nuôi tôm hùm bị trôi dạt, 14 nhà ở của người dân bị sập đổ, tốc mái; 15.700/26.666 ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn chín sáp, sắp thu hoạch bị ngập nước, ngã, đổ; 508 ha rau màu bị ảnh hưởng. Tại huyện Tuy An có một người tử vong đã tìm thấy, một người còn mất tích do bị gió lốc cuốn tại khu vực nuôi trồng thủy sản xã An Hòa Hải.
Sau buổi kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, đợt mưa lớn kèm theo gió lốc trong những ngày vừa qua là hiện tượng thời tiết bất thường, ở Phú Yên có thể gọi là hiện tượng thời tiết dị thường. Hiện tượng thời tiết này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng La Nina. Trước đó, ngày 28/3 các cơ quan cảnh báo của Trung ương đã có chỉ đạo, cảnh báo cho các địa phương. Tuy nhiên, đối với ngư dân vẫn có yếu tố bất ngờ, bởi đã bước vào khô và đang là đầu vụ đánh bắt nhưng lại nhận một đợt mưa rất lớn, gió lốc khiến người dân không kịp trở tay.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh hiện tượng thời tiết phức tạp vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở Phú Yên, còn lớn hơn ảnh hưởng của một cơn bão cấp 11-12 tại khu vực này. Nói như vậy có căn cứ, bởi chính quyền địa phương và người dân Phú Yên đã có đủ kinh nghiệm để ứng phó khi có bão nhưng với một trận gió lốc bất ngờ, diễn biến phức tạp trên biển như các ngày qua sẽ khó đoán, gây thiệt hại rất lớn. Ngoài ảnh hưởng của thiên tai, việc nuôi tôm chưa tuân thủ quy hoạch, các lồng nuôi ở mức độ quá dày, khi gió xoáy các lồng sẽ va chạm vào nhau gây nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, vật liệu làm lồng nuôi của người dân Phú Yên chưa chịu được thiên tai, cần thiết phải nghiên cứu tìm ra một vật liệu làm lồng nuôi mới chịu được gió bão. Vật liệu làm lồng nuôi mới giá thành phải bằng hoặc không quá cao so với lồng nuôi vật liệu cũ để người dân chuyển đổi.
“Đợt thiên tai vừa qua là bất thường và người dân vẫn chưa nắm rõ được các thông tin cảnh báo, do vậy sắp tới công tác cảnh báo phải làm rõ được gió cấp mấy, đường đi của gió như thế nào, có gió xoáy, lốc hay không. Từ dự báo này, chính quyền địa phương phải chủ động, làm tốt hơn nữa công tác thông tin, chuyển tải sớm cho ngư dân, có như vậy mới giảm được thiệt hại do thiên tai. Việc làm cần nhất hiện nay đó là chính quyền tỉnh Phú Yên cần khẩn trương khắc phục tốt nhất, nhanh nhất những thiệt hại hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.