Qua gần 9 năm thi hành, Luật Tài nguyên nước đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, việc chấp hành quy định của Luật và nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước đã có nhiều chuyển biến và từng bước đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước cho phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, trước tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày một gia tăng, nguồn nước phụ thuộc phần lớn từ nước ngoài chảy vào, thực tiễn công tác quản lý còn có chồng chéo, chưa thống nhất, một số vần đề phát sinh trong thực tiễn cần quản lý nhưng chưa được quy định trong Luật, nhiều vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết triệt để theo yêu cầu thực tiễn, cần phải sửa đổi, bổ sung để bắt kịp xu hướng phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế.
Nảy sinh nhiều bất cập
Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hiện nay tài nguyên nước của Việt Nam đang phải chịu nhiều thách thức do sự phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp… nhưng, thực tế vẫn chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước, dẫn tới tình trạng lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa ngành nước, nhất là cấp nước cho nông nghiệp…
Giải thích về điều này, ông Châu Trần Vĩnh cho rằng Luật Tài Nguyên nước năm 2012 đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế, chưa đảm bảo phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước. Do vậy, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập. Cụ thể, một số quy định của Luật tài nguyên nước cần phải được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tế và phù hợp với pháp luật liên quan như quy định về vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước), quy hoạch tài nguyên nước, cấp giấy phép tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước.
Tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 là bước ngoặt cho công tác quản lý tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước 2012 có quy định đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên, thực tế một số văn bản, chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về việc quản lý, giám sát chất lượng nước sạch sau quá trình sản xuất; việc quản lý, khai thác nước, bảo vệ nguồn nước; việc phân phối, tiêu thụ nước sạch đến các hộ dân. Sự thiếu đồng bộ trong các khâu, từ khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân, làm cho việc kiểm tra, giám sát cũng thường xuyên gặp khó khăn.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật
Để giải quyết những bất cập, việc sửa đổi bổ sung Luật Tài nguyên nước là cần thiết tạo ra chính sách phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, nâng cao giá trị của nước, tăng nguồn thu cho ngân sách, thu hút doanh nghiệp tham gia bảo vệ tài nguyên nước, khôi phục dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt để trả lại giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị cảnh quan môi trường của các dòng sông trên cơ sở quản lý thống nhất, toàn diện về tài nguyên nước được quy định tại Luật Tài nguyên nước sửa đổi.
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Luật tài nguyên nước sửa đổi lần này sẽ hướng tới một số chính sách lớn như: Xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước, đặc biệt là việc phục hồi các dòng sông suy thoái, cạn kiệt... các chính sách cần nguồn vốn lớn trong khi hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức đối tác công tư đảm bảo lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, việc tăng nguồn thu cho ngân sách trên cơ sở “nước là tài sản công” được quy định tại Hiến pháp, tài sản này phải được tính đúng, tính đủ giá trị, sử dụng tài sản nhà nước phải trả tiền, trả đúng trả đủ. Khái niệm về an ninh tài nguyên nước, hoạt động để đảm bảo an ninh tài nguyên nước cũng sẽ được bổ sung trong Luật sửa đổi này.
Đối với việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy, bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, trong đó có cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy. Bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước. Đề xuất các giải pháp công trình “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô.
Dự thảo Luật sửa đổi sẽ quy định rõ hơn các biện pháp, chế tài trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Bổ sung quy định về sử dụng nước hướng đến tiết kiệm nước trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước. Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đối với việc phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, Dự thảo Luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định chi tiết về quản lý đào, san lấp ao, hồ chứa nước; Bổ sung quy định, nguyên tắc áp dụng các biện pháp thu gom nước mưa, giảm ngập lụt ở các khu đô thị, khu tập trung dân cư…
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, Luật Tài nguyên nước 2012 đã đặt ra vấn đề quản lý nước theo lưu vực nhưng chưa thực sự hiệu quả. Theo đó, trong quá trình sửa luật, dự thảo lưu ý đến việc thu hút nguồn lực xã hội, huy động sự tham gia, giám sát của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước, đầu tư, xây dựng, vận hành, giám sát công trình chất lượng nước. Chính quyền địa phương tăng cường tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tham gia giám sát bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội các khu vực để bảo vệ nguồn nước hiệu quả. Trong những năm qua, phong trào nông thôn mới rất thành công, chính quyền địa phương cần sử dụng mô hình bảo vệ quản lý nguồn nước như phong trào xây dựng nông thôn mới để cộng đồng dân cư tự bảo vệ lưu vực nguồn nước. Khi người dân tham gia giám sát, nêu cao trách nhiệm cộng đồng thì việc quản lý sẽ hiệu quả và thực chất hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước cũng như các luật quản lý tài nguyên nước nói chung, tuy nhiên cần ưu tiên, tạo điều kiện, khuyến khích để cho các tổ chức, thành phần kinh tế hỗ trợ, đầu tư phát triển đối với lĩnh vực nước hay nói cách khác là xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào quản trị nước, mở rộng đối tượng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để các tổ chức cá nhân có mong muốn hỗ, trợ đầu tư lĩnh vực này thì có thể tham gia.
Nước cần được xác định là hàng hóa thiết yếu cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, việc xây dựng cơ chế đóng góp của người dân khi tham gia đấu nối, sử dụng nước đảm bảo công bằng, minh bạch và nâng cao ý thức cộng đồng.