Các nguồn phát sinh nước thải ngày càng đa dạng với lượng nước thải phát sinh ngày càng nhiều đang đặt ra những thách thức lớn trong công tác quản lý.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2013-2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiện mới chỉ đề cập chủ yếu đến một số nguồn phát sinh nước thải chính gồm nước thải trong sinh hoạt, công nghiệp, y tế và cơ sở dịch vụ, làng nghề, chăn nuôi. Tổng lưu lượng xả thải trên toàn quốc tính đến năm 2017 theo giấy phép xả thải đã cấp khoảng 100 triệu m3/ngày đêm, trong đó, lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Cùng với sự gia tăng dân số và nhu cầu cuộc sống, lượng nước thải sinh hoạt chiếm tỷ lệ lớn, tiếp tục tăng cao, đặc biệt là những nơi đông dân cư.
Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam Bộ có lượng nước thải sinh hoạt phát sinh cao nhất, trong đó Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt có dân số tập trung cao, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh chiếm tỷ lệ lớn. Hà Nội chiếm hơn 37% và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm trên 54% tổng lượng nước thải của từng khu vực tương ứng. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải của các hệ thống thoát nước và tiếp nhận nước thải, ảnh hưởng đến chất lượng các nguồn tiếp nhận. Khu vực nông thôn mức độ ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt đến chất lượng các nguồn tiếp nhận nhỏ hơn khu vực đô thị, song những năm gần đây, chất lượng nước một số ao, hồ, kênh mương đã ghi nhận hiện tượng nước bị ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.
Tính đến tháng 3/2017, cả nước có 13.394 cơ sở y tế, trong đó 1.253 bệnh viện, 1.037 cơ sở dự phòng và 11.104 trạm y tế. Chỉ tính riêng lượng nước thải y tế phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh khoảng trên 150.000m3/ngày đêm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh viện có quy mô nhỏ và trung bình phát sinh nước thải y tế khoảng 200-500 lít/người/ngày và bệnh viện quy mô lớn phát sinh khoảng 400-700 lít/người/ngày. Tuy nhiên, lượng nước thải thực tế thu gom phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của hệ thống thu gom trong các cơ sở y tế.
Lượng nước thải công nghiệp phát sinh có dao động lớn, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghiệp ở từng địa phương. Một số địa phương có lượng nước phát sinh lớn như Thành phố Hồ Chí Minh hơn 143.000m3/ngày đêm, Bình Dương gần 137.000m3/ngày đêm, Hà Nội 75.000m3/ngày đêm, Bắc Ninh 65.000m3/ngày đêm…
Nguồn nước bị ô nhiễm có tính chất nghiêm trọng do đặc trưng lan truyền và tác động đến môi trường thủy sinh. Theo Tổng cục Môi trường, hiện tượng ô nhiễm kênh, mương, sông, hồ nội thành, nội thị diễn ra khá phổ biến. Tại nhiều đô thị, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải, nước không có sự lưu thông, ô nhiễm chất hữu cơ và dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau gây nên tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Hoàng Cầu, hồ Tây…
Nước thải công nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm, xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý sẽ không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước sông, nước ngầm, ô nhiễm đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Một số ngành công nghiệp phát sinh nước thải độc hại lớn là khai thác mỏ, sản xuất bột giấy, thuộc da, luyện thép, sản xuất đường và dược phẩm… Nhiều nơi môi trường nước sông bị ảnh hưởng như sự cố cá chết hàng loạt vùng ven biển 4 tỉnh miền Trung do nước thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn gang theo Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cá chết trên sông Bưởi ở Thanh Hóa do nước thải của Công ty mía đường Hòa Bình, ô nhiễm nước sông Cẩm Đàn (Bắc Giang) do nước thải của Công ty cổ phần tập đoàn khoáng sản Á Cường… Công ty mía đường Hòa Bình đã phải gặp gỡ dân làng chài sông Bưởi xin lỗi và trao tiền đền bù 1,4 tỷ đồng dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
Đối với nước thải bệnh viện, đáng chú ý là một số yếu tố nguy hại trong nước thải bệnh viện gồm các chất liên quan đến tráng rửa phim của phòng chụp X-quang, thủy ngân tại các khu vực nha khoa, chất khử trùng dạng aldehyde, hóa chất từ phòng thí nghiệm và dịch rửa từ cơ thể người bệnh chứa nhiều chất độc hại, nồng độ kháng sinh và các vi khuẩn gây bệnh cao.
Nước thải từ khai thác khoáng sản có thể chứa bùn, đất đá và các chất hoạt động bề mặt. Tùy thuộc vào các loại quặng được khai thác, nước thải có thể chứa các kim loại nặng như đồng, chì, kẽm, thủy ngân, asen… là nguyên nhân gây ô nhiễm các thủy vực tiếp nhận nước thải, có thể gây ung thư và ngộ độc thần kinh cho con người và sinh vật thủy sinh. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến thực phẩm và đồ uống, thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da… đều sử dụng hóa chất nhưng một số chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn gây rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước mà chưa có giải pháp ngăn chặn thật sự hiệu quả.
Phương thức và tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, việc xả thải tự nhiên ra môi trường còn phổ biến dẫn đến tình trạng nguồn nước ở sông, hồ, kênh mương bị ô nhiễm. Nguồn nước sông hiện vẫn được dùng làm nước sinh hoạt hay sử dụng để để nuôi trồng thủy sản, do vậy, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn là khá lớn. Do nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản thì các thức ăn lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, phát triển một số loài sinh vật và xuất hiện một số tảo độc, thậm chí là đã xuất hiện thủy triều đỏ ở một số vùng ven biển.
Khảo sát tại 5 trang trại chăn nuôi lớn ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho thấy, trang trại đều xây với quy mô vượt quá quy định 1,5-,5 lần; trang trại nhỏ nhưng lượng đầu lợn quá lớn khiến các công trình phụ trợ không xử lý được hết lượng chất thải. Các hồ lắng chất thải không được xây dựng đúng kỹ thuật, để nước thải chưa xử lý thấm trực tiếp xuống đất, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, phân lợn chảy tràn ra cánh đồng Bàu của ấp Hưng Thạnh, người dân không thể sản xuất, canh tác, nhiều khu vực đất bị bỏ hoang.
Bài 2: Thu gom và xử lý còn ở mức thấp