Quản lý tài nguyên nước trên đảo

Để phát triển kinh tế một cách bền vững trên các đảo, nhất thiết phải đánh giá được tiềm năng tài nguyên nước trên các đảo này.

Tài nguyên nước trên các đảo

Theo tài liệu quan trắc ở các trạm khí tượng trên đảo, lượng mưa năm ở các đảo của nước ta thay đổi trong khoảng 1.126 mm đến 3.067 mm, nhưng phân bố rất không đều theo thời gian. Thời gian mùa mưa ở các đảo cũng khác nhau, tùy theo vị trí địa lý của các đảo.

Suối Đá Bàn trên đảo Phú Quốc luôn chảy quanh năm, cung cấp lượng nước ngọt lớn phục vụ sản xuất và là nơi lý tưởng phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: V.Tôn



Do các đảo nằm trong một vùng biển rộng, trải dài trên nhiều vĩ tuyến, ở khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nên lượng mưa trên các đảo có sự phân hóa rất sâu sắc từ Bắc đến Nam. Trong đó Trường Sa, Côn Đảo và Phú Quốc là những đảo có lượng mưa cao nhất. Tính chất phân hóa sâu sắc cũng biểu hiện ở chỗ, thời gian mùa khô kéo dài 5 - 6 tháng nhưng có lượng mưa rất nhỏ và tháng có lượng mưa thấp nhất trong năm thường là tháng 2 (hoặc tháng 3). Thời gian liên tục có lượng mưa thấp nhất là từ tháng 1 - 3. Đây là thời gian khô hạn kéo dài, rất khó khăn trong việc cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên đảo, nếu như không tiến hành các biện pháp trữ nước mưa trong thời kỳ mùa mưa. Nhiều đảo có diện tích quá nhỏ nên không tồn tại sông suối.

Trên những hòn đảo tương đối lớn, có thảm thực vật che phủ, lượng nước ngầm đáng kể, bảo đảm cho các sông suối có nước chảy quanh năm dù với lưu lượng rất nhỏ, chỉ từ 1 - 5 l/s. Hơn nữa, do không có trạm thủy văn đảo hoặc các cuộc khảo sát chi tiết nguồn nước mặt trên các đảo, vì vậy khó có thể đánh giá đầy đủ nguồn nước mặt trên các đảo.

Quản lý tài nguyên nước ở các đảo ven bờ

Hiện trên nhiều đảo lớn nhỏ ở nước ta đã có dân ở, trong đó có những đảo, quần đảo, số dân lên tới hàng nghìn người. Việc khai thác tiềm năng thiên nhiên của các đảo, nhất là các đảo lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên đảo có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.

Việc phát triển kinh tế đảo gắn liền với các hoạt động khai thác nguồn nước bao gồm cả 3 dạng (nước mưa, nước mặt trong các sông suối và nước dưới đất). Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là du lịch, đem lại sự tăng trưởng đáng kể cho ngân sách ở Cát Bà, Tuần Châu, Phú Quốc... nhưng cũng bộc lộ những nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất. Vì vậy, để bảo đảm việc khai thác nước đáp ứng nhu cầu, đồng thời bảo vệ môi trường nước nói riêng và môi trường nói chung, cần phải tiến hành các hoạt động quản lý hiệu quả.

Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu: Những hoạt động chủ yếu là thiết lập hệ thống quan trắc lượng mưa, nước sông suối và động thái nước dưới đất ở những hòn đảo có dân cư và có thể đưa dân cư ra cũng như các đảo có khả năng phát triển kinh tế trong thời gian không xa. Trước mắt cần nhanh chóng xây dựng trạm đo mưa (hoặc trạm khí tượng) tại đảo Cù Lao Chàm, đồng thời xây dựng trạm thủy văn, quan trắc lưu lượng trên sông suối tại các đảo như Cái Bàu, Cát Bà, Phú Quốc.

Trên những dòng sông có nước chảy quanh năm có thể tiến hành đo thường xuyên. Ở những dòng sông chỉ có nước trong mùa mưa, bố trí đo đạc trong mùa giai đoạn có nước chảy và cần xác định được khoảng thời gian có nước chảy trong năm (thời điểm bắt đầu và kết thúc dòng chảy). Cần xác định mức độ và phạm vi ảnh hưởng của thủy triều biển cũng như tình hình xâm nhập nước mặn. Tiến hành khoan thăm dò nước dưới đất ở các đảo, chú ý các đảo không có sông suối. Đánh giá tiềm năng các nguồn nước trên các đảo và khả năng khai thác chúng thông qua phân tích, tính toán từ các số liệu quan trắc và khảo sát thu được.

Lập quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước trên các đảo trong mối tương quan với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên các đảo hoặc cụm đảo có tiềm năng, bảo đảm sự phát triển bền vững. Trong đó cần quan tâm khai thác triệt để nguồn nước mưa, bao gồm cả các biện pháp trữ nước để sử dụng trong mùa khô. Quy hoạch phát triển các ngành liên quan đến nhu cầu cấp nước phải phù hợp với quy hoạch này. Trên quan điểm đó, việc quy hoạch nguồn nước được xây dựng trên cơ sở xem xét các quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch khai thác, phát triển, bảo vệ rừng ở trên đảo, gắn liền với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Văn Hào

Tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước
Tuyên truyền bảo vệ tài nguyên nước

Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới 22/3, ngày 19/3, tại trường tiểu học Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội, ngành giáo dục Hà Nội và Tập đoàn Suntory (Nhật Bản) và Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam đã khởi động dự án “Mizuiku - Em yêu nước sạch”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN