Nhiều năm qua, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số triển khai Dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy. Với những tiến triển khả quan của dự án này, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể.
Theo ông Khổng Trung, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, muốn bảo vệ rừng phải bắt đầu từ gốc rễ là giải quyết vấn đề đời sống cho người dân. Xuất phát từ quan điểm đó, nhiều năm qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng và hỗ trợ người dân thực hiện Dự án Trồng rừng thay thế nương rẫy cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Công nhân Lâm trường Bến Hải (Quảng Trị) trồng rừng. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, Lê Văn Quý cho biết, dự án triển khai tại hai huyện Hướng Hóa và Đắk Rông nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô… Từ nhiều năm nay, đối với người dân hai huyện này, sản xuất chính là làm nương rẫy. Diện tích canh tác nương rẫy khoảng 20.000 ha. Đất nương rẫy có độ dốc cao, phân tán, canh tác theo phương thức truyền thống “phát, đốt, cốt, trỉa” nên năng suất và hiệu quả thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn và thiếu bền vững.
Dự án được triển khai nhằm chuyển đổi 1.500 ha đất nương rẫy canh tác kém hiệu quả sang trồng rừng phòng hộ, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân, hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn phát rừng làm nương rẫy, bảo vệ được môi trường, giữ được đất, giữ được nước và từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Việc triển khai đã tiến hành ở 22 xã của huyện Hướng Hóa và 12 xã của Đắk Rông. Người dân được hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật về khuyến lâm để trồng rừng sản xuất, xây dựng các công trình dân sinh và được trợ cấp gạo trồng rừng với mức 700 kg/ha/năm.
Nhờ thụ hưởng dự án này, diện tích canh tác nương rẫy được giữ ổn định, hiệu quả sử dụng đất cao hơn nhờ thực hiện các biện pháp canh tác trên đất dốc, thâm canh. Người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về tập quán canh tác nên công tác xóa đói giảm nghèo có hiệu quả. Về môi trường, độ che phủ của rừng tăng lên đã giúp nâng cao khả năng phòng hộ đầu nguồn. Độ che phủ rừng đã tăng đáng kể từ năm 1989 đến nay. Năm 1989, Quảng Trị chỉ có 100.000 ha rừng, độ che phủ còn 19%, đây là hậu quả chiến tranh. Đến năm 2011, diện tích rừng đã lên tới xấp xỉ 230.000 ha, chiếm tới 47,1% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Tuy nhiên, có được kết quả độ che phủ của rừng như hiện nay, không chỉ nhờ đóng góp của dự án “Trồng rừng trên đất nương rẫy” mà một phần là nhờ địa phương đã triển khai có hiệu quả trong việc lồng ghép các chương trình trồng rừng khác.
Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ, địa phương đã tổ chức thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng. Đó là các dự án 2780 và 4304 do PAM tài trợ; Dự án Việt- Đức do Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ, Dự án trồng rừng phòng hộ Hồ Trúc Kinh; Dự án trồng rừng trên đất bị nhiễm chất độc da cam; Dự án sáng kiến hành lang đa dạng sinh học do ADB tài trợ; Dự án trồng lại rừng trên đất nương rẫy do Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư; Dự án lâm nghiệp hướng tới người nghèo do Quỹ ủy thác lâm nghiệp tài trợ. Những dự án này đã thực sự tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, góp phần tăng độ che phủ rừng lên đáng kể trong khoảng hai chục năm qua.
Theo ông Khổng Trung, đời sống và trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số cùng với phong tục tập quán còn có những hạn chế nhất định. Việc vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cung cách làm ăn không hề đơn giản. Vì vậy, những hiệu quả từ Dự án “Trồng rừng trên đất nương rẫy” được triển khai thí điểm hơn 1 năm qua đang có những tác động tích cực.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Dự án này đang đứng trước nguy cơ bị phá sản vì thiếu kinh phí. Nhu cầu vốn cần khoảng 35 tỷ đồng. “Chính sách của nhà nước rất đúng đắn và bước đầu thực hiện mang lại những thay đổi tích cực đời sống và cách nghĩ của đồng bào dân tộc. Một chính sách như vậy cần được cân nhắc để tiếp tục”, ông Khổng Trung đề nghị.
Mạnh Minh