Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để, cần quy hoạch những khu vực cho phép kinh doanh VLXD để các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động.
Vi phạm Luật Đê điềuTheo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tình trạng sử dụng hành lang thoát lũ làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng diễn ra nhiều ở 15 quận, huyện, thị xã, với 224 bãi đang hoạt động ở ven sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu... Trong đó chỉ có 45 bãi được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, còn 179 bãi chứa ven sông đang hoạt động trái phép.
Thời gian qua, nhiều quận, huyện đã thực hiện tốt kiểm tra, đình chỉ hoạt động với bãi chứa, trung chuyển trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp khá nhiều khó khăn, do số lượng bãi chứa trái phép phải giải tỏa VLXD nhiều. Nhiều bãi chứa, trung chuyển VLXD trái phép được hình thành từ lâu, mang lại việc làm cho một bộ phận người lao động tại địa phương, việc chấm dứt hoạt động có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của họ do vậy gây khó khăn trong xử lý vi phạm. Cùng với đó, việc lập dự án đầu tư, thực hiện thủ tục thuê đất tại địa phương còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, liên quan nhiều lĩnh vực đất đai, công trình thủy lợi, giao thông...
Lực lượng chức năng di dời vật liệu khỏi bãi trung chuyển VLXD tại phường Thượng Cát (Bắc Từ Liêm). |
Theo đại diện quận Bắc Từ Liêm, nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại nhiều bãi chứa VLXD trái phép bên cạnh sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm của đơn vị quản lý, thì các điểm trung chuyển VLXD theo Quy hoạch sử dụng cát, sỏi, bãi trung chuyển VLXD ban hành theo quyết định số 711/QĐ - UBND ngày 1/2/2013 của UBND thành phố Hà Nội trên địa bàn quận có diện tích nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu về VLXD và tốc độ đô thị hóa trên địa bàn quận.
Là một trong những hộ đã chủ động giải tỏa và ngừng hoạt động khi được UBND phường yêu cầu, ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sông Hồng tại phường Thụy Phương cho biết, việc giải tỏa theo yêu cầu của thành phố là cần thiết. Tuy nhiên, việc ngưng hoạt động đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm lao động, chưa kể doanh nghiệp vay ngân hàng đầu tư máy móc, thiết bị và vẫn phải trả lãi hàng tháng. “Chúng tôi mong muốn thành phố sớm công bố quy hoạch điểm tập kết VLXD để công ty có điều kiện được hoạt động hợp pháp”, ông Thưởng cho biết. Mong muốn của ông Thưởng cũng là mong muốn chung của hàng chục hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Chờ điều chỉnh quy hoạchPhó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Nguyễn Kim Vinh cho biết, để xử lý nghiêm các điểm trung chuyển VLXD không đúng quy định, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân và đáp ứng nhu cầu về VLXD phục vụ quá trình đô thị hóa trên địa bàn quận, UBND quận đã kiến nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn. Xem xét, bổ sung 39,73 ha vào quy hoạch bãi chứa, trung chuyển VLXD trên địa bàn. Ngày 2/2/2016, UBND thành phố đã có Văn bản số 581 giao Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét những kiến nghị trên và tham mưu đề xuất giải quyết, báo cáo UBND thành phố. Tuy nhiên, phía Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có hồi âm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Trung Hiếu, Phó phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, theo quy hoạch sử dụng cát sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ bố trí 91 bãi chứa trung chuyển với diện tích khoảng 3,5 ha. Sở đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát thực hiện quy hoạch bãi chứa trung chuyển VLXD trên địa bàn, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định. Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra tại các quận, đến nay đã kiểm tra quận Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng. Ông Hiếu cho biết: “Qua kiểm tra và đề xuất của các quận, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch chung. Quy hoạch này phải tính theo nhu cầu chung về VLXD của toàn thành phố, sức chứa, hiện trạng đất đai, hạ tầng rồi mới cân đối quy hoạch trên toàn thành phố chứ không chỉ dựa vào đề xuất của địa phương hay doanh nghiệp”.