Rác thải để tràn lan trên Quốc lộ 5

Quốc lộ 5, tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng hiện tràn lan rác thải hai bên đường, gây ỗ nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và gây mất an toàn giao thông.

Rác thải tràn lan 2 bên đường.

Rác thải vứt bừa bãi thành từng đống bốc mùi hôi thối dọc 2 bên đường, chủ yếu thuộc địa phận huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Quốc lộ 5 đoạn từ thị trấn Lai Cách đi qua các xã: Tân Trường, Cẩm Điền, Cẩm Phúc...  có đến cả chục đống rác to, nhỏ ven đường. Các bãi rác tích tụ, ùn đọng lâu ngày, nhiều nơi, rác tràn cả ra đường, bốc mùi xú uế. Rác thải chủ yếu là: rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, rác công nghiệp, rác thải vô cơ, hữu cơ ,…  Có những bãi rác nằm ngay dưới chân biển "Cấm đổ rác". Khi rác chất thành đống lớn, người dân lại đem đốt gây khói bụi mù mịt, cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Mến, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng thừa nhận: “Do ý thức nên một số người dân sống gần đường vẫn đem rác thải sinh hoạt ra đổ. Tuy nhiên, lượng rác đó chí là một phần mà nhiều đồng rác lớn tích tụ là do nhiều đối tượng lợi dụng lúc trời tối, địa điểm vắng đã chở các loại rác thải khác ra đổ trộm".

Rác thải xây dựng đổ bừa bãi ngổn ngang ven quốc lộ 5.

“Ngày mưa, rác, nước thải đen ngòm trôi từ bãi rác ra cả đường; ngày nắng thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Không những thế, rác thải xây dựng như gạch, vữa, bê tông đổ la liệt rất dễ gây ra tai nạn", ông Phạm Anh Tiến ở xã Lai Cách, huyện Cẩm Giàng bức xúc.

Theo Đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện các bãi rác tự phát như thiếu lực lượng thu gom, vận chuyển rác thải, hoạt động không đồng bộ. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại địa phương còn ít, phương tiện thủ công. Đặc biệt là nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chưa tốt, dẫn tới việc đổ rác vứt rác bừa bãi, đổ trộm rác thải, mật độ dân cư tăng nhanh cùng với quỹ đất cho việc xây dựng các bãi rác hạn hẹp khiến lượng rác thải sinh hoạt lớn, khó xử lý... Toàn tỉnh vẫn còn 46 điểm chôn lấp rác tự phát, nhiều nhất là ở Cẩm Giàng (17 điểm).

Rác thải vứt bừa bãi ngay dưới chân biển cấm đổ rác.

Theo thống kế của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng, toàn huyện tính đến nay có 83 điểm chôn lấp rác thải sinh hoạt, mỗi ngày phải thu nhận gần 60 tấn rác thải.

Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2018, huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tổ chức san lấp, thu dọn những bãi rác tự phát dọc Quốc lộ 5 và Quốc lộ . Huyện cũng yêu cầu trồng cây xanh tại vị trí các bãi rác tự phát đã được thu dọn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định. Các xã ven Quốc lộ 5 chịu trách nhiệm xử lý rác thải, không để người dân đổ rác bừa bãi, mất vệ sinh. Huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hải Dương tăng cường kiểm tra, giám sát các công ty, doanh nghiệp, ngăn chặn các nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Những bãi rác tự phát dọc theo Quốc lộ 5 không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguy cơ gây mất an toàn giao thông; ngoài sự nỗ lực của chính quyền thì việc nâng cao ý thức cho người dân, xử lý nghiêm các đối tượng đổ trộm rác thải là những giải pháp căn cơ để sớm chấm dứt được tình trạng trên.

Tin, ảnh: Hiền Anh (TTXVN)
Tái chế rác thải nhựa hiệu quả theo phong cách Nhật
Tái chế rác thải nhựa hiệu quả theo phong cách Nhật

Nổi tiếng với những cách gói quà và hàng độc đáo, sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường là giấy và vải, song Nhật Bản cũng không tránh được xu thế chung sử dụng bao bì đóng gói bằng nhựa tiện ích trong hoạt động công nghiệp thực phẩm cũng như nhiều ngành nghề khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN