Đoạn sạt lở có chiều dài 40 m, ăn sâu vào 5 m, làm ảnh hưởng trực tiếp 3 căn nhà của bà Phạm Thị Giang, bà Trần Thị Bích Phượng và ông Trần Minh Tùng, tại tổ 16, ấp Long Thới B. Nhờ chủ động di dời nên sạt lở không thiệt hại lớn về người và tài sản.
Là một trong ba hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, bà Phạm Thị Giang cho biết, khi bà dọn dẹp nhà cửa và thấy có dấu hiệu sạt lở nên khẩn cấp di dời đồ đạc. Vừa di dời ngày hôm trước, hôm sau nhà bà đã bị đổ sụp.
Qua khảo sát của ngành chức năng, điểm sạt lở đã gây ra độ dốc lớn 3 - 4 m cộng với nền đất yếu nên nơi này có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở. Đáng nói là khu vực này chỉ còn cách mép đường giao thông liên xã Long Thuận, Phú Thuận A khoảng hơn 2 m. Bên trong đoạn đường có hàng chục hộ dân sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Khơi, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cùng các ngành liên quan đã trực tiếp đến hiện trường. Qua khảo sát hiện trường, lãnh đạo huyện chỉ đạo địa phương làm hàng rào tạm cảnh báo khu vực sạt lở, hỗ trợ di dời khẩn cấp 3 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đối với các hộ chưa có nhà, địa phương vận động ở tạm nhà người thân. Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh có giải pháp làm kè khẩn cấp chống sạt lở trước mùa lũ để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.
Trước đó, trong những ngày giữa tháng 6/2020, Đồng Tháp đã liên tục ghi nhận các vụ sạt lở bờ sông tại huyện Châu Thành và Cao Lãnh. Trong đó, hai vụ sạt lở nhiều là vụ sạt lở bờ sông dài trên 50 m, sâu vào đất liền hơn 4 m làm tê liệt tuyến đường giao thông Nha Mân – Phú Long thuộc huyện Châu Thành và vụ sạt lở 40 m, ăn vào đất liền 3,5 m đã làm tuyến đường giao thông huyết mạch Thiên Hộ Dương, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, bị chia cắt.