Không khó để tìm sai phạm và xử phạt
Buổi sáng, chợ đông, người mua tấp nập, chị N.T.T, chủ một sạp hàng ở chợ Trung Văn (Nam từ Liêm, Hà Nội) tất tả với đủ các loại mặt hàng nào thịt lợn, thịt bò, lại bán kèm thêm đồ ăn chín gồm giò, chả, bún… Để tay trần bán thịt lợn sống cho khách này xong, chị lại cho tay vào găng tay để bốc bún cân cho khách khác; hay thái giò, chả theo yêu cầu của khách.
Chị T. cho biết: “Tôi bán cả đồ ăn sống và chín nên bắt buộc mỗi lần chuyển qua đồ ăn chín phải dùng găng tay, nếu không làm thế thì khách họ cũng phản ứng. Tôi chưa biết quy định phạt tiền nếu không đeo găng tay khi bán đồ ăn chín nhưng tiền mua găng tay không đáng bao nhiêu nên dù có quy định hay không thì tôi vẫn dùng để giữ uy tín với khách”.
Tuy nhiên, dù có dùng găng tay nhưng với loại găng tay dùng một lần rất dễ rách, nhưng lại được dùng đi dùng lại nhiều lần vẫn rất khó kiểm soát được việc có bị tiếp xúc với bàn tay dính thịt sống của người bán hay không nên vẫn có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn tại một quán phở trên đường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) quán ăn rất đông khách, chủ quán chuyên việc ngồi chặt, thái thịt gà và chế biến phở cho khách, tất cả các công đoạn đều làm bằng bàn tay trần. Dùng tay trần bốc phở rồi lại nhặt thịt gà vào bát cho khách thế nhưng người ăn vẫn chấp nhận như vậy bao nhiêu lâu nay. Thậm chí người bán còn nhận tiền và trả tiền cho khách rồi lại tiếp tục bốc đồ ăn bình thường. Khi được hỏi, chủ quán thản nhiên trả lời rằng, khách đông nên phải làm liền tay không ngơi nghỉ, đeo găng tay vướng víu nên lâu nay vẫn như vậy.
Mặc dù, hiện nay đã ghi nhận nhiều người kinh doanh đồ ăn chín đã có ý thức đeo găng tay để bảo đảm vệ sinh, nhưng vẫn có nhiều người còn chủ quan chưa chú ý đến điều kiện này. Cụ thể các gánh hàng ăn rong, bán hàng vỉa hè như bánh mì, bánh bao… hầu như ít người sử dụng găng tay khi tiếp xúc với đồ ăn mặc dù đây là những thứ ăn ngay, dùng trực tiếp không trải qua chế biến lần nữa nên nếu nhiễm khuẩn hoặc mất vệ sinh thì người ăn chính là người phải hứng chịu. Theo các nghiên cứu, bàn tay là nơi có chưa rất nhiều vi khuẩn trong đó có các vi khuẩn như e.coli, norovirus có thể gây ra tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng, ngộ độc thực phẩm…
Tuy nhiên, sẽ không còn chỗ cho hành vi không đeo găng tay khi bán thực phẩm chín, thực phẩm sử dụng ngay nữa bởi ttheo quy định của Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10 tới. Theo đó, người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, phạt 1 - 3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…
Quan trọng là ý thức người dân
Thực tế việc quy định người bán hàng phải sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín không phải bây giờ mới có, mà đã có từ lâu với mức xử phạt nhẹ hơn (300- 500 ngàn đồng) nhưng hiện các hành vi này vẫn diễn ra bình thường. Phần lớn các lỗi bị xử phạt thường trong các đợt thanh tra tại các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm lớn mà ít có sự giám sát thường xuyên tại các cửa hàng nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, quy định đưa ra phải thật chặt chẽ, không thể để người bán hàng chỉ đeo theo kiểu đối phó hình thức khi được kiểm tra rồi lại tái phạm. Thậm chí, không phải cứ đeo găng tay là an toàn, nếu người bán hàng có đeo găng tay mà dùng chính găng tay đó để làm việc khác rồi lại tiếp xúc với thực phẩm thì cũng vẫn không đảm bảo an toàn. Vì thế, có thể quy định rõ hơn như găng phải sử dụng một lần, không bị thủng...
Cũng theo ông Thịnh, quan trọng nhất vẫn là sự tự giác của người dân, ý thức cộng đồng. Tự giác đeo găng tay để đảm bảo vệ sinh, nâng cao uy tín của nhà hàng.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để kiểm soát việc dùng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm ăn ngay cần thực hiện nhiều giải pháp và sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và chính người dân. Việc kiểm tra đột xuất cũng là một giải pháp, thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống để giám sát việc thực hiện các quy định.
Theo các chuyên gia, dù lực lượng thanh kiểm tra có lớn cũng khó có thể kiểm soát được hết nếu các chủ cửa hàng vẫn cố tình vi phạm. Vì thế, kênh giám sát lớn nhất chính là người dân, người dân phát hiện các sai phạm và yêu cầu xử lý cũng là tự bảo vệ sức khỏe của mình. Với lực lượng thanh kiểm tra không đủ để giám sát hết tất cả các điểm, cửa hàng bán đồ ăn chín tại các thời điểm thì người dân có thể tố cáo nếu phát hiện ra những trường hợp không sử dụng găng tay theo quy định bằng hình ảnh hoặc clip tới cơ quan chức năng.