Và ấy cũng là lúc, như bao buôn làng, thôn xã khác trên dọc 240km biên giới Tây Nam, bà con Rờ Kơi dang tay giúp đỡ làn sóng tị nạn bỏ trốn khỏi “cánh đồng chết” Angkor.
Tất cả không kỳ thị, không phân biệt đối xử. Từ ngôi nhà kiên cố phía đầu làng Rờ Kơi, ông A Ghinh, hướng ánh nhìn ra phía trường tiểu học gần đó nằm hiền hòa trong cây cối xanh mát, những đứa trẻ người dân tộc Hà Lăng, Brâu, Mường, Thái đang hồn nhiên nô đùa dưới trưa nắng.
Nghe nhắc đến chuyện ông giúp người dân Campuchia chạy sang tị nạn, lánh họa diệt chủng của bọn Khmer Đỏ, già làng dân tộc Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) cười đôn hậu, nói: “Ôi chà, 300 người bồng bế nhau chạy sang đấy”.
Trong trí nhớ của ông A Ghinh - người năm 2011 được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, thì hồi trước năm 1975, bà con Rờ Kơi và người dân biên giới Campuchia rất gắn bó, thường xuyên qua lại. Nhưng khi Khmer Đỏ lên nắm quyền thì “nó cấm dân không được gặp người Việt Nam”.
Rồi sau đó liên tục xảy ra các vụ thảm sát man rợ, diệt chủng người Khmer, liên tục có những người Campuchia chạy sang tị nạn tại các xã biên giới của Kon Tum như Ya Mô, Ya H’rai, Mô Rai. Hàng loạt các lán tạm dựng khắp dọc vùng biên. Những người này nói là lính Khmer Đỏ đã bắt rất nhiều người dân mang đi.
Tận mắt thấy nhiều người dân bị đập chết nên họ xin tị nạn để lánh họa diệt chủng. Nếu không được, họ sẽ sang Lào tị nạn và sẵn sàng đưa bộ đội Việt Nam đến xem những hố chôn tập thể người dân và cán bộ Campuchia. Còn để Pol Pot sang đưa về thì họ đều bị trừng trị bằng cách chôn sống tập thể, bị đập chết rất dã man, tàn bạo.
“Khi ông già cùng người làng ra đây lập xã Rờ Kơi thì 300 người kia chạy sang xin tị nạn. Ai cũng khổ, hai bàn tay trắng, không gạo ăn, không nước uống. Mà họ chạy sang đây thì có ai đâu, chỉ có làng Rờ Kơi thôi. Mà Rờ Kơi thì nghèo nữa. Có gì đâu, chỉ có gạch đá thôi. Nhưng vẫn bảo nhau cố giúp họ lúa này, xoang nồi này, quần áo này, heo gà này, lập làng này”, ông A Ghinh nhớ lại.
Theo lời kể của Bí thư đảng ủy xã Rờ Kơi, ông A Đinh: Người dân Campuchia, nhất là tại các làng ở những huyện Tà Veng, Von Xay của tỉnh biên giới Ratanakiri với người dân vùng biên thường xuyên qua lại với nhau. Đến khi gặp thảm họa diệt chủng, có hàng trăm người đã chạy sang lánh nạn tại Rờ Kơi những năm 1977 đến 1978. Họ được người dân và chính quyền, chiến sỹ biên phòng, lực lượng công an vũ trang giúp đỡ chu đáo, coi nhau như anh em trong nhà.
Sau này khi trở về nước, họ vẫn giữ những tình cảm tốt đẹp, thân thiện với Rờ Kơi, với Kon Tum, thường hay qua lại, thăm hỏi những người đã giúp mình trong lúc hoạn nạn.
“Trong đó có cả những người sau này làm lãnh đạo cấp cao, có người làm Tỉnh trưởng, có người làm lãnh đạo các cấp, các ban, ngành của Campuchia như ông Bun Thoong, Xổm Keo”, ông A Đinh cho hay.
Việc bà con làng Rờ Kơi giúp đỡ người Campuchia trước thảm họa diệt chủng chỉ là một trong những ân tình nơi biên giới. Toàn bộ thông tin về tình hình người dân nước láng giềng rời bỏ xứ sở sang Việt Nam cùng các thành phần trong làn sóng tị nạn đều được báo cáo về cấp tỉnh và Trung ương.
Thấu hiểu cơn hoạn nạn này, sự trợ giúp chân thành, chí tình, trong sáng, tình hữu nghị giữa hai dân tộc được đưa ra. Trước mắt là thuốc chữa bệnh, lương thực, các loại hạt giống, gia súc, gia cầm, công cụ sản xuất, đến giao đất dựng làng, dựng xã, phát nương làm rẫy, sản xuất để ổn định cuộc sống nơi ở tạm.
Sau đó, theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đề nghị với Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi không chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc”, những người lính tình nguyện Việt Nam đã vượt những dặm dài heo hút, núi rừng hiểm trở, giúp đỡ sự nghiệp đấu tranh sinh tồn của nhân dân Angkor.
Chính vì tình nghĩa sâu nặng này mà ông Bun Thoong - nguyên Thượng nghị sỹ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Campuchia, người đã lánh nạn trên mảnh đất biên giới Kon Tum những năm đó đã đặt thêm cho con trai mình một cái tên Việt Nam là Phan Văn Vũ, theo tên của một chiến sỹ biên phòng.
Và Phan Văn Vũ, tức Thoong Savon, Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri hiện nay, là một trong hàng trăm đứa trẻ được sinh ra trên mảnh đất Kon Tum vào những năm tháng nặng tình, nặng nghĩa đó. Vũ được ông Bun Thoong gửi gắm cho đội trinh sát vũ trang Gia Lai - Kon Tum để quay về Campuchia cùng những người lính tình nguyện Việt Nam cầm súng chiến đấu chống lại Khmer Đỏ.
Chế độ diệt chủng bị đập tan, trước khi rời vùng biên giới Kon Tum để về lại Ratanakiri, ông Bun Thoong đã bày tỏ tự đáy lòng rằng, “không bao giờ quên được sự giúp đỡ quý báu, chân thành”, và nơi đây chính là “quê hương yêu dấu thứ hai đã sinh ra chúng tôi...”.
Bài 3: Tái sinh vùng đất chết