Việc khen thưởng các cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gái được Hậu Giang thực hiện theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND tỉnh, cấp tỉnh khen 40 cặp vợ chồng theo chỉ tiêu Nghị quyết giao, cấp huyện khen 40 cặp vợ chồng/huyện. Qua 5 năm thực hiện chính sách này, toàn tỉnh có gần 1.700 cặp vợ chồng đủ điều kiện được khen cấp tỉnh, huyện.
Đây là kết quả tỉnh Hậu Giang thực hiện thi đua mô hình sinh đủ hai con, khen thưởng cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gái. Năm 2022 mô hình sinh đủ hai con của tỉnh đạt 55,37% (chỉ tiêu giao là >20% số cặp vợ chồng đã sinh con hoặc đang mang thai trên tổng số cặp vợ chồng đã đăng ký mô hình sinh đủ hai con), 8/8 đơn vị huyện, thị xã, thành phố của tỉnh thực hiện đạt chỉ tiêu; đến nay có 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã đăng ký thực hiện mô hình sinh đủ hai con.
Thời gian qua, Hậu Giang thực hiện chính sách dân số bằng việc tặng Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, thưởng kèm 15 triệu đồng/xã, phường, thị trấn thực hiện 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con; Tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, thưởng kèm 25 triệu đồng/xã, phường, thị trấn thực hiện 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con. Đối với các xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện mô hình gia đình sinh đủ hai con năm 2019, 2020, 2021 theo Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định một số mức hỗ trợ thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019-2025, được chuyển tiếp thời gian đăng ký, được công nhận và khen thưởng 3 năm, 5 năm liên tục.
Về khen thưởng cá nhân, Hậu Giang thực hiện chính sách dân số với việc tặng giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi, theo quy định của Luật Thi đua Khen thưởng. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi như hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh (siêu âm và xét nghiệm Down, Edward, Patau, dị tật ống thần kinh, Thalassemia,...) và sàng lọc sơ sinh (thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, điếc bẩm sinh, tim bẩm sinh) theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi, không vi phạm chính sách dân số.
Theo bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, tổng tỷ suất sinh của tỉnh giảm qua hàng năm và đạt mức thấp theo quy định (Hậu Giang là một trong 21 tỉnh, thành phố trong cả nước có mức sinh thay thế thấp): Năm 2017 đạt 1,59 con/bà mẹ, năm 2022 đạt 1,44 con/bà mẹ giảm 0,15 con/bà mẹ so với năm 2017 và đạt thấp hơn 0,66 con/bà mẹ, so với chỉ tiêu mức sinh thay thế 2,1 con/bà mẹ đến năm 2030.
“Đây là nguy cơ báo động, nếu mức sinh thấp của Hậu Giang trong thời gian dài sẽ tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số ngày càng bị thu hẹp, tăng tình trạng thiếu hụt lao động, đẩy nhanh già hóa dân số và kèm theo hàng loạt các hệ lụy khác. Nguyên nhân đạt mức sinh thấp là do đa số các cặp vợ chồng trẻ của tỉnh đều đã quen với mô hình sinh ít con. Hiện nay, lực lượng lao động trẻ của Hậu Giang trong các công ty, xí nghiệp nhiều nên việc sinh con dễ ảnh hưởng đến việc làm của họ. Trong đó có những cặp vợ chồng đi làm ăn xa, không có mặt ở địa phương, nên việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động cũng gặp hạn chế” - bà Võ Thị Hoàng Loan cho biết.