Chiều 31/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã ký Thông tư số 19/2013/TT-BCT về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng 5% so với hiện hành.
Ngành điện sẽ bù đắp được một phần chi phí nhờ tăng giá điện. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Theo đó, kể từ ngày 1/8, giá điện sẽ được điều chỉnh lên mức 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 71,85 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành. Như vậy, sau hơn 7 tháng kể từ lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 22/12/2012), Bộ Công Thương mới quyết định tăng giá điện trong bối cảnh các thông số chính ảnh hưởng đến chi phí phát điện đã liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Chi phí phát điện tăng trên 8.000 tỷ đồng
Theo Quyết định 24 của Chính phủ và Thông tư 31/2011/TT-BCT ngày 19/8/2011 của Bộ Công Thương quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản, kể từ lần tăng giá cuối cùng, cứ sau 3 tháng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải cập nhật các thông số biến động cơ bản ảnh hưởng đến giá điện là giá nhiên liệu đầu vào (than, dầu, khí), tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát để làm căn cứ tăng, giảm giá điện. Bên cạnh đó, EVN vẫn phải tính toán mức phân bổ các khoản chi phí phát điện chạy dầu năm 2010 để đảm bảo điện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương; các khoản chi phí còn treo lại chưa tính vào giá bán điện năm 2012 được phân bổ vào giá điện các năm 2013-2015.
Theo tính toán của EVN, kể từ ngày 22/12/2012 đến hết tháng 7/2013, hầu hết các thông số chính ảnh hưởng tới chi phí phát điện đều tăng. Chẳng hạn, tỷ giá bình quân vào thời điểm tháng 12/2012 là 20.880 đồng/USD, trong khi tỷ giá bình quân gia quyền (trong kỳ tính toán không cố định) trong 7 tháng đầu năm 2013 lên tới 20.9 đồng/USD.
Đối với giá than, thời điểm tháng 12/2012, bình quân giá các loại than cấp điện là 667.225 đồng/tấn. Tuy nhiên, từ tháng 12/2012 đến tháng 7/2013, giá bình quân gia quyền là 905.629 đồng/tấn, tăng 35,7%. Giá than cho sản xuất điện trong thời gian qua tăng cao như vậy là do hai lần được điều chỉnh giá. Cụ thể, ngày 15/9/2012, Bộ Tài Chính đã ra Quyết định 480/BTC-QLG cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tăng giá bán bình quân từ 35-41%, tùy từng loại. Quyết định 237/BTC-QLG ngày 17/4/2013 của Bộ Tài chính cho phép Vinacomin tăng giá bán than từ ngày 20/4/2013, với mức tăng từ 37-41%, tùy theo loại than. Cả hai Quyết định này khiến chi phí phát điện bị ảnh hưởng lớn.
Về giá khí, giá mặt hàng này cũng tăng theo lộ trình Chính phủ phê duyệt. Nếu giá khí bình quân tháng 12/2012 là 97.926 đồng/triệu BTU thì từ tháng 12/2012 đến nay, bình quân gia quyền giá khí là 100.081 đồng/triệu BTU, tăng 2,2%.
Đối với giá dầu, nếu thời điểm tháng 12/2012, giá dầu DO và FO cho sản xuất điện đứng ở mức 19.119 đồng/kg thì từ tháng 12/2012 đến nay, bình quân gia quyền giá dầu DO và FO là 20.960 đồng/kg, tăng 9,6%.
Mặt khác, trong giai đoạn này, cơ cấu sản lượng điện cũng có những thay đổi đáng kể so với phương án tính toán từ tháng 12/2012. Cụ thể, nhóm nhiệt điện than tăng trên 19% và nhóm nhiệt điện khí tăng gần 6% đã ảnh hưởng đến chi phí phát điện; trong đó nhóm nhiệt điện than vừa tăng sản lượng, vừa tăng giá ở mức cao; nhóm nhiệt khí cũng vậy, vừa tăng sản lượng, vừa tăng giá bán. Trong khi đó, sản lượng than và khí chiếm từ 55-65% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Trên cơ sở tính toán các thông số chính ảnh hưởng đến giá điện, chi phí phát điện từ tháng 12/2012 đến nay đã tăng trên 8.000 tỷ đồng, gây áp lực đến tăng giá bán lẻ điện. Riêng chi phí do giá than tăng trên 5.000 tỷ đồng và do giá khí tăng trên 1.500 tỷ đồng.
Chưa đủ bù đắp chi phí
Lần điều chỉnh giá bán điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 2/QĐ -TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo và thu nhập thấp không thay đổi.
Về tác động đối với việc tăng giá điện thêm 5%, tính toán của EVN cho thấy đối với hộ bình thường sử dụng 100 kWh/tháng, chi phí điện năng sẽ tăng thêm 6.800 đồng/tháng. Hộ sử dụng 150 kWh/tháng sẽ tăng chi phí lên 10.650 đồng/tháng. Hộ sử dụng 200 kWh/tháng, tăng chi phí thêm 15.500 đồng/tháng. Đối với hộ sử dụng 300 kWh/tháng, sẽ tăng chi phí thêm 26.000 đồng/tháng và hộ sử dụng 400 kWh/tháng, tăng chi phí lên 37.200 đồng/tháng.
Với sản lượng điện thương phẩm theo kế hoạch cả năm nay là 117 tỷ kWh, nếu giá điện tăng 5% từ 1/8 và theo sản lượng điện thương phẩm của 5 tháng còn lại là 50,11 tỷ kWh, doanh thu của EVN trong 5 tháng còn lại sẽ tăng thêm 3.600 tỷ đồng, chưa đủ bù chi phí giá điện tăng thêm là 8.000 tỷ đồng từ các thông số đầu vào. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định nếu như tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn giữ ở mức ổn định, việc tăng giá điện lần này sẽ khiến EVN bù đắp phần nào chi phí sản xuất điện. Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính của EVN. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, nếu giá than, giá khí và giá dầu tiếp tục biến động cũng sẽ tác động lớn đến giá điện những tháng tiếp theo. Và như vậy, bức tranh tài chính của EVN xem ra vẫn chưa thể có màu sáng.
Mai Phương