Trữ lượng tài nguyên khoáng sản chưa được đánh giá và kiểm soát gây thất thu cho ngân sách Nhà nước và để lại nhiều hậu quả xấu về môi trường. Do vậy, cần đổi mới về cơ chế chính sách và cách quản lý để tăng tính minh bạch trong quản trị”, đó là khẳng định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Nguyễn Văn Thuấn tại hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai thác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội.Cấp phép tràn lanÔng Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chỉ ra một thực tế: “Vừa rồi kiểm tra có tỉnh cấp tới hơn 200 giấy phép khai thác khoáng sản mà thu thuế tài nguyên chưa đủ 4 tỷ đồng, con số này quá ít, không đủ xây dựng cơ sở hạ tầng”. Đó là một thực tế đáng lo ngại, khi trước đây, theo quy định của Luật Khoáng sản 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2005, hoạt động khai thác, quản lý khoáng sản chủ yếu thông qua cấp phép theo cơ chế xin - cho, không có cơ chế quản lý nguồn thu nên hiệu quả nguồn thu cho ngân sách từ khai thác khoáng sản còn thấp.
Ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản tại huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).Ảnh:Nguyễn Trình - TTXVN |
Ông Thuấn nhấn mạnh thêm, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh như thời gian qua đã dẫn đến cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan. “Chỉ phân cấp cho tỉnh 2 năm mà các tỉnh đã cấp đến 4.300 giấy phép khai thác khoáng sản trong khi đó Bộ TN&MT 30 năm mới cấp 400 giấy phép. Việc cấp phép tràn lan này dẫn đến khó quản lý nguồn tài nguyên, thất thoát nhiều”, ông Thuấn cho biết.
Theo Luật Thuế tài nguyên thì giá tính thuế là giá bán tài nguyên, không phân biệt nơi tiêu thụ, trường hợp trong kỳ khai thác tài nguyên không bán ra, mà đưa vào quy trình chế biến rồi mới bán, hoặc đưa vào sản xuất sản phẩm khác thì tính thuế theo giá UBND cấp tỉnh quy định, hoặc giá bán tài nguyên của tháng trước liền kề. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc về xác định giá tính thuế.
Từ góc độ đơn vị thuế, bà Hoàng Thị Hà Giang, Vụ Chính sách, Tổng cục thuế cho biết: “Theo quy định hiện hành thì các doanh nghiệp khai khoáng chủ yếu thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp. Theo đó, các khoản thuế và phí chủ yếu được tính toán dựa trên sản lượng do doanh nghiệp tự khai báo. Trong khi đó, hiện nay chưa có cơ chế giám sát sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp, điều này dẫn đến những rủi ro thất thu do doanh nghiệp khai báo số liệu thấp hơn thực tế hoặc không thực hiện nghĩa vụ đóng góp như ban đầu”.
Đổi mới quản lý Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trước những tồn tại nêu trên, thay thế cho hình thức cấp phép xin - cho, Luật Khoáng sản 2010 đã quy định rõ, tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá hoặc không đấu giá, nâng cao hiệu quả nguồn thu, cùng với chính sách khuyến khích dự án đầu tư khai thác gắn với chế biến, sử dụng công nghệ tiên tiến góp phần hạn chế, xóa bỏ tình trạng khai thác nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương: Cần xem xét nghiêm túc sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương, bắt đầu từ khâu đánh giá và quản lý tài nguyên bởi vì có hiện tượng cắt nhỏ các mỏ và theo phân cấp, các mỏ nhỏ này sẽ thuộc quyền quản lý của địa phương. Việc xé lẻ khai thác như vậy sẽ dẫn đến thất thoát lớn. |
“Trước đây, doanh nghiệp khai thác không lập quy hoạch, bản đồ khai thác nên khai thác đến đâu thì biết đến đó, khó kiểm soát trữ lượng, cơ quan thuế cũng khó kiểm soát. Với quy định doanh nghiệp, địa phương lập quy hoạch, bản vẽ hiện trạng khai thác và thống kê trữ lượng khoáng sản hàng năm, bản đồ hiện trạng 6 tháng cập nhật 1 lần cùng quy định xử phạt nghiêm vi phạm cao gấp 4 - 5 lần trước đây, số tiền phạt cao nhất lên đến 2 tỷ đồng sẽ góp phần kiểm soát được trữ lượng và sản lượng khai thác hàng năm”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Cùng với đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất, khoáng sản, Nguyễn Văn Thuấn đề xuất: “Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên, trước đây 2 cơ quan này chưa có sự phối hợp với nhau nên xảy ra kẽ hở. Chúng tôi kiến nghị 2 cơ quan cần phối hợp để kiểm tra thuế tài nguyên doanh nghiệp nộp có đúng hay không. Nếu chúng ta kiểm soát được bản đồ hiện trạng và thuế thu thì kiểm soát được 80 - 90% sản lượng khai thác và nguồn thu đảm bảo hơn”.
Bà Hoàng Thị Hà Giang, Vụ Chính sách, Tổng cục thuế đề xuất: “Cần xem xét giá tính thuế là giá bán tài nguyên tại nơi khai thác để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và thực hiện thống nhất để hạn chế việc đánh trùng thuế đối với tài nguyên vận chuyển đi tiêu thụ phát sinh các chi phí vận chuyển. Đối với tài nguyên xuất khẩu đã qua chế biến, sơ chế cần nghiên cứu hướng dẫn áp dụng giá tính thuế thống nhất nguyên tắc với thuế giá trị gia tăng, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên trong nước”.
Thu Trang