Vừa nghỉ đã học
Nghỉ hè rồi nhưng nhiều buổi chiều tối, chẳng mấy khi hàng xóm thấy bé Khánh Linh ra nô đùa với các bạn cùng lứa trong vườn hoa của khu phố. Bởi khoảng thời gian từ 5 giờ đến 7 giờ tối em phải đi học lớp tiếng Anh. Kể từ lúc chưa chính thức nghỉ hè, bé Lê Khánh Linh (8 tuổi, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã được bố mẹ “lên sẵn” một lịch học hè kín tuần. Có hôm đang cầm cặp đứng ở cửa chờ mẹ chở đi học, trông thấy vài bạn nhà hàng xóm dắt xe đạp ra vườn hoa, mặt Khánh Linh buồn thiu.
Việc tìm chỗ vui chơi, học tập phù hợp cho con trẻ trong dịp hè là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. Ảnh: Lê Phú |
Chị Trần Thị Thủy, mẹ cháu thở dài, chia sẻ: “Mùa hè là khoảng thời gian chúng tôi lo lắng nhất. Cả hai vợ chồng đều làm cơ quan nhà nước nhưng không phải là giáo viên nên làm gì có hè. Sáng 7 giờ đã phải vội vàng ra khỏi nhà, chiều mãi 6 giờ tối mới về đến nhà, cơm nước, việc nhà đủ thứ”. Để yên tâm, hè năm nay, hai vợ chồng chị đều nhất trí tìm các loại lớp học ở trung tâm, ở nhà riêng của cô giáo... để cô con gái lớp 3 tham gia. Từ lớp học năng khiếu như đàn, múa, vẽ đến chuyên môn như tiếng Anh, Toán siêu tốc...
Có thể nói, việc tìm chỗ vui chơi, học tập cho con trẻ trong dịp hè là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh thành phố. Thế nên mới chớm hè, ở Hà Nội, những cơ sở uy tín như Cung thiếu nhi Hà Nội, Trung tâm thể dục thể thao 10-10 đều kín chỗ. Vẫn biết khi cung vượt quá cầu, chất lượng khó được như kỳ vọng, tuy nhiên, các bậc cha mẹ vẫn tặc lưỡi chấp nhận. Thế là, các bé thoát khỏi kỳ học ở trường lại bước vào mùa học gấp gáp và chật chội tại các trung tâm năng khiếu để giải tỏa bớt nỗi lo của bố mẹ: thiếu người “cai quản” con trong dịp hè.
Đăng ký các lớp học hè với nhu cầu “gửi con” là chính, các trung tâm thiếu nhi mới đầu hè đã đông phụ huynh chọn lớp cho con. Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, tình trạng quá tải năm nào cũng xảy ra. Theo bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội, năm nay, ngoài các bộ môn truyền thống như múa, vẽ, đàn..., Cung còn mở thêm một số bộ môn năng khiếu như: võ cổ truyền, võ Akido của Nhật Bản... Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh, Cung có mở 3 lớp Bán trú, sĩ số 40 em/lớp với học phí 3 triệu đồng/tháng. Ở đây, ngoài ôn tập văn hóa, trẻ còn đi dã ngoại, học năng khiếu...
Tìm người quản lý mùa hè
Ngược lại với hoàn cảnh của bé Linh, không ít em nhỏ do kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ không đăng ký cho tham gia vào những lớp học hè thì hè phải thui thủi chơi tại nhà. “Nghỉ hè rất chán!”, bé Nguyễn Tuấn Minh, 10 tuổi (phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) nói gọn lỏn. Hai vợ chồng chị Vân, anh Tuấn thu nhập chưa đến 10 triệu đồng/tháng, chi tiêu luôn trong tình trạng eo hẹp nên không có đủ điều kiện cho con đi tham quan du lịch hoặc thuê người về trông con.
Nghỉ hè, Tuấn Minh được bố mẹ huấn luyện để ở nhà trông nhà vừa học bài vừa chơi. Ngày ngày, bố mẹ đi làm rồi, Tuấn Minh ở trong nhà hết xem ti vi lại chuyển qua đọc truyện tranh. Đọc truyện xem phim chán, đến chiều, bố mẹ đi làm về, em mới mon men xuống sân tập thể gần đó tha thẩn chơi một lúc. Muốn tham gia đá bóng cũng khó. Bởi các sân bóng lớn thường là khu vực cho các anh lớn tuổi, Tuấn Minh chưa được tham gia cùng.
Vội vàng dàn xếp với ông bà nội từ trước kỳ nghỉ hè tới cả tháng, anh Nguyễn Hồng Đức (ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội) lại có cách giải quyết khác là đón bà nội lên để trông 2 con nhỏ. Đưa được bà lên thì anh chị yên tâm đi làm mỗi ngày rằng con nhỏ có người trông nom, nhà cửa có người quan tâm, để mắt. Dù biết rằng để có thể có được mùa hè yên tâm cho mình, anh chị cũng đã khiến cho ông nội ở nhà thiếu hẳn bàn tay bà chăm sóc. Dù thế, anh vẫn không chọn lựa cách giải quyết là đưa con về quê nghỉ hè. Nỗi lo trong anh là: “Quê mình ở Phú Xuyên, Hà Nội vùng chiêm trũng, xung quanh toàn ao chuôm, con mình lại nghịch, thấy cái gì cũng lạ. Nói dại, nhỡ các con có lỡ sẩy chân thì khổ".
Nhớ lại năm ngoái, bà bận không lên Hà Nội chăm cháu được, vợ chồng anh cũng không thể nghỉ quá lâu, nên mẹ phải đưa con lên cơ quan suốt một tuần. Bố là nhân viên quản lý sự kiện cho một công ty tư nhân, đem con lên văn phòng là “khỏi phải” đi công tác, chạy ra hiện trường được. “Phương án này mà nhà nào cũng áp dụng thì chắc các doanh nghiệp cũng phải kêu trời, vì các con đang tuổi đùa nghịch hồn nhiên, đến nơi làm việc mà làm ầm ĩ cả lên, chạy lung tung khắp nơi, khiến mẹ nó kêu trời", anh Đức kể.
Bí người quản lý nên con dù đã học xong lớp 1 nhưng hè này chị Phạm Nga ở Việt Hưng, Hà Nội vẫn đưa bé đi gửi ở trường mầm non vì không nhờ được ai trông, cũng chẳng yên tâm để cháu ở nhà một mình. Chị Nga cho biết, những năm trước, bé học mầm non ở trường tư nên không có khái niệm nghỉ hè và anh chị không phải lo lắng gì. Năm nay thời gian nghỉ của con kéo dài tới hai tháng nên từ mấy ngày trước chị đã hỏi thăm đồng nghiệp, lên mạng tìm hiểu xem có thể gửi ở đâu vì bố mẹ không thể nghỉ theo. Ban đầu chị cũng dự định tìm người giúp việc nhưng sau một thời gian tìm kiếm, hỏi han, cân nhắc tới mụ cả đầu óc chị mới công nhận tìm được người trông trẻ chỉ trong dịp hè không phải dễ.
Lê Sơn - Mạnh Minh