Sau hơn 4 năm di chuyển đến nơi ở mới theo chương trình di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã ổn định.
Tốt hơn nơi ở cũ Điều dễ nhận thấy khi đến một số khu, điểm tái định cư ở xã Ta Gia là các hộ dân đều có nhà ở đẹp và khang trang hơn nơi ở cũ, môi trường được cải thiện, đời sống vật chất tinh thần được đảm bảo. Các dịch vụ hàng quán, máy xay xát mọc lên ngày càng nhiều. Cơ sở hạ tầng như: Đường, điện, trường, trạm, kênh mương cơ bản cứng hóa đáp ứng đời sống nhân dân.
So với thời điểm mới đến năm 2011, điểm tái định cư bản Gia nay đã khác xưa, nhà cửa sạch sẽ, vững chắc, mỗi gia đình đều sắm sửa các vật dụng đắt tiền, bà con được sử dụng nước hợp vệ sinh và con cái đi học gần nhà. Hiện nay, các hộ dân đang tích cực khai hoang đất sản xuất, mở các mô hình chăn nuôi, trồng trọt làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Dẫn chúng tôi dạo thăm bản trong dịp xuân này, ông Lò Văn Dụng, Trưởng bản Gia, xã Ta Gia không giấu được niềm vui: “Nhớ thời ở bản cũ, các hộ hầu hết thuộc diện nghèo, thiếu ăn, nhà cửa thì cũ nát, xiêu vẹo. Khi có chủ trương di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng, cả bản vừa mừng cũng vừa lo. Mừng vì đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước mang ánh điện đi muôn nơi, cùng thắp sáng cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Lo là không biết đến nơi ở mới có hơn nơi ở cũ hay không”.
Cũng giống như bản Gia, cuộc sống nhân dân vùng đất mới ở các bản: Nam, Củng, Hỳ, Mè, Khem đã từng bước ổn định, diện mạo ở bản, khu tái định cư được đổi thay, trù phú hơn nơi cũ. Bản làng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng đều được làm mới. Đồng bào đã biết sử dụng tiền tái định cư vào làm kinh tế, biết làm giàu chính đáng cho bản thân và giúp bà con nghèo khác. Trong đó, nhiều hộ đầu tư thâm canh tăng vụ, khai hoang đất nông nghiệp, đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng đàn.
Chị Lò Thị Chơi, điểm tái định cư bản Gia chia sẻ: “Ngay từ khi đặt chân lên nơi ở mới, một phần tiền đền bù tôi làm nhà, gửi tiết kiệm, số còn lại xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, mua máy xay xát. Để có phương thức chăn nuôi, phòng dịch bệnh, tôi học hỏi qua tài liệu, sách báo, từ những hộ có mô hình trang trại lớn ở nơi khác. Cùng với đó, chính quyền xã cũng về hướng dẫn trồng cây gì và nuôi con nào phù hợp với địa phương. Rồi cơ quan chuyên môn thì tập huấn về cách chăn nuôi, đưa giống mới vào thâm canh. Đến nay, ngoài việc chăm sóc tốt trên 3.000 m2 đất lúa, trong chuồng gia đình luôn duy trì hơn chục con lợn và hàng chục con gia cầm. Trừ chi phí, mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng, đời sống đã khá hơn trước rất nhiều”.
Chính quyền đồng hành cùng đồng bào Thực hiện chương trình di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng, xã Ta Gia có gần 640 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Đảng bộ, Chính quyền xã xác định khi chuyển dân đến nơi ở mới sẽ từng bước đảm bảo đời sống phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do vậy, việc đầu tiên xã đề ra đó là phải tìm kế sinh nhai cho bà con.
Ông Lường Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết: “Địa phương đã cụ thể hóa kế hoạch, lộ trình phát triển kinh tế bằng việc thực hiện chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, huyện. Đồng thời tận dụng tốt các nguồn vốn chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình di dân tái định cư thủy điện, chương trình 30a... để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh sẵn có về đất đai, nguồn lực từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Cấp ủy, chính quyền xã còn phối hợp các phòng, ban chuyên môn của huyện tuyên truyền nhân dân mở rộng diện tích trồng lúa nước, đưa những giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất. Đối với những vùng không có diện tích canh tác thì sẽ chuyển đổi sang phương thức chăn nuôi phù hợp. Cũng từ việc cán bộ thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng bà con qua đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng trong phát triển kinh tế, đến nay, diện tích các loại cây trồng hàng năm toàn xã có 819,24 ha. Toàn xã phát triển đàn gia súc, gia cầm trên 11.000 con. Bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng mới vào canh tác, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 21%.
Bài và ảnh: Dương Nguyễn