Nhìn từng hàng cây cao su vươn cao xanh mướt, chúng tôi hy vọng loại cây công nghiệp này sẽ mang lại lợi ích kinh tế, làm giàu cho đất và người Than Uyên.
Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Lai Châu đã thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang tính đột phá, mô hình trồng cây cao su ở một số huyện trên địa bàn tỉnh đã bước đầu mang lại thành công như: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Học từ mô hình của các huyện, huyện Than Uyên đã ký kết với Công ty CP Dầu Tiếng Cao su Lai Châu triển khai đưa cây “vàng trắng” phủ xanh đất trống, đồi trọc khu vực lòng hồ và tạo việc làm cho người dân. Ban đầu, trồng thử nghiệm 10 ha, cây cao su đã thích nghi và phát triển tốt, có chiều cao khoảng gần 2 m.
Tạo dựng hướng đi mới…
Than Uyên là huyện phải di chuyển một lượng lớn hơn 2.700 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ của 2 nhà máy thủy điện Bản Chát, thủy điện Huổi Quảng. Giai đoạn đầu là an cư cho người dân, bước tiếp theo là dạy nghề và tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Sau một thời gian dài tìm tòi, trải nghiệm với mong muốn đưa các loại cây mới vào trồng mang lại lợi ích kinh tế bền vững, huyện Than Uyên đã chọn phát triển cây cao su khu vực lòng hồ thủy điện là một hướng đi mới và phù hợp. Thứ nhất, huyện sẽ thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng công nghiệp hóa; thứ hai là phân bố lại dân cư, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy kinh tế của huyện đi lên. Vì vậy, huyện Than Uyên và công ty CP Dầu Tiếng cao su Lai Châu đều quyết tâm xây dựng và đặt niềm tin vào chủ trương này, còn nhân dân thì tin ở cây cao su sẽ tạo cho mình một cơ hội làm việc ổn định lâu dài, có thu nhập cao cải thiện đời sống.
Công nhân chăm sóc cao su giống chuẩn bị cho đợt trồng đại trà. |
Tại Tổ sản xuất số 1 ở bản Thậm Phé, xã Mường Kim, anh Phan Công Khanh - cán bộ kỹ thuật và phụ trách tổ dẫn chúng tôi đi thăm vườn ươm. Một không khí lao động hối hả, gấp rút đang diễn ra, người tưới nước, người bón phân, người vận chuyển bầu cây lên xe chở đến địa điểm trồng… tất cả như quên đi cái tiết trời nóng bức. Theo kế hoạch trong năm 2013, công ty CP Dầu Tiếng cao su Lai Châu sẽ trồng mới diện tích 500 ha. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Than Uyên và cán bộ, công nhân, lao động của công ty đang dồn sức chuẩn bị giống, san băng, đào hố để ra quân trồng đại trà.
Có được sự đồng thuật của người dân là nhờ có công tác tuyên truyền, vận động của huyện, của cán bộ công ty. Quyền lợi của người dân có đất góp cổ phần được đảm bảo, các hộ gia đình sẽ được làm sổ đỏ và ăn chia lợi tức, cứ 1 ha thì được chia 10% thu nhập mủ đã trừ chi phí. Không chỉ vậy, bà con nhân dân còn được tạo điều kiện vào làm công nhân lâu dài, lao động thời vụ lúc nông nhàn… Anh Hoàng Văn Kỵ, 25 tuổi, dân tộc Khơ Mú ở bản Thậm Phé, xã Mường Kim đang tưới nước cho cây con ở vườn ươm. Nghe chúng tôi hỏi về nhà mình có đất góp với công ty không? Kỵ dừng tay nở nụ cười tâm sự: Lúc đầu nghe cán bộ nói là góp đất cho công ty để trồng cây cao su và giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho người dân. Dân bản không khỏi băn khoăn, hoài nghi về tương lai của cây cao su, cách làm của cán bộ và quyền lợi của dân sẽ được thực hiện như thế nào? Nhưng qua việc làm nghiêm túc của cán bộ và nhìn thấy cây cao su phát triển tốt thì người dân rất tin tưởng ở cán bộ nói và cán bộ làm. Những gia đình có đất nằm trong quy hoạch trồng cây cao su thì yên tâm phấn khởi ký hợp đồng nạp bìa đất cho công ty quản lý. Nhà mình cũng góp hơn 1 ha đấy...
Anh Khanh đã kể cho chúng tôi nghe, chính công ty đã đưa đón một số hộ gia đình đại diện lên vùng trồng cao su ở huyện Sìn Hồ và huyện Phong Thổ để bà con biết, hiểu được sau này chính cây công nghiệp này sẽ làm giàu cho mình, cho con cháu, cho bản làng, quê hương. Chuyến tham quan, được tai nghe, mắt thấy nên khi về mọi người, mọi nhà kéo nhau đến công ty để góp đất và xin được làm công nhân. Từ chỗ người dân nơi đây chưa biết cây cao su mặt mũi thế nào, giờ đã biết và tiếp cận với kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đồng thời, bà con dân bản vào làm công nhân thì phải thích nghi với tác phong làm việc theo giờ giấc đề ra, không ỷ lại, không lười biếng mà phải có ý thức, trách nhiệm với bản thân và tập thể.
Khắc phục khó khăn để phát triển…
Trên chiếc xuồng máy sang bên kia Tổ sản xuất số 2 ở bản Khá Pá Lầu thuộc xã Pha Mu, anh Nguyễn Văn Hòa - Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu Tiếng cao su Lai Châu chỉ tay lên các ngọn núi nói: Thời gian tới, tất cả khu vực lòng hồ này sẽ được phủ xanh bằng cây cao su đấy. Nhưng mình lo, vì thiếu quá nhiều nhân công nên kế hoạch trồng 500 ha trong năm 2013 ở Than Uyên có đạt được hay không… Nói vậy, anh Hòa ngồi nhìn xa xăm nghĩ về một điều gì đấy. Anh Hòa cũng đã cho biết, công ty được thành lập và đi vào hoạt động đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiên của tỉnh, huyện và nhất là cơ chế của nhà nước. Trong đó, huyện Than Uyên đã thành lập Tổ công tác phối hợp chặt chẽ với công ty để tháo gỡ vướng mắc kịp thời, hiệu quả.
Chuẩn bị giống kỹ lưỡng, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu để áp dụng trồng trên diện rộng. |
Chúng tôi có mặt tại điểm 67 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) khối cơ quan, lực lượng vũ trang huyện Than Uyên đang thực hiện chiến dịch tình nguyện xanh giúp công ty phát băng, đào hố. Nguyễn Minh Tâm – Phó Bí thư Đoàn huyện, Tổng chỉ huy chiến dịch cho biết: Đây chính là đợt sinh hoạt chính trị của ĐVTN huyện với nội dung, nhiệm vụ chính là phát triển cây cao su gắn với các tiêu chí về mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết của Huyện ủy và Kế hoạch của UBND huyện. Kế hoạch ra quân của ĐVTN đề ra sẽ làm trong 4 ngày (14 – 17/6) sẽ phát băng, đào 2.700 hố theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tương đương với 5,4 ha. Công việc tuy vất vả, nhưng với tinh thần xung kích, tình nguyện, bản lĩnh nên ĐVTN ai cũng vui vẻ, hăng say làm việc… Trước đó, huyện cũng đã huy động ĐVTN và người dân các xã trên địa bàn huyện vào giúp công ty phát băng, đào hố, có thời điểm lên tới hơn 350 người.
Hiện nay, công ty đã có 62 công nhân được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đúng theo luật quy định. Để hoàn thành kế hoạch thì từ tháng 6 đến tháng 9 phải cần 250 công nhân làm việc thường xuyên. Khổ nỗi, mùa trồng cao su lại đúng vào dịp thu mùa nên bà con nghỉ làm rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến tiến độ trồng diện tích mới. Để thu hút lao động, thời gian sắp tới Công ty CP Dầu Tiếng cao su Lai Châu tiến hành khảo sát xây dựng trụ sở và nhà ở cho công nhân; tuyển chọn lao động trên địa bàn huyện, trong tỉnh và các tỉnh lân cận để để có đội ngũ công nhân lành nghề và gắn bó ổn định với công ty. Công ty cũng căn cứ mức thu nhập ở địa phương để đề cập với Hội đồng quản trị nâng tiền công, tiền lương nhằm thu hút lao động. Cụ thể, mùa vụ vừa rồi công ty đã nâng tiền công từ 115 nghìn đồng/ngày lên 135 nghìn đồng, lương từ 115 nghìn đồng/ngày lên 125 nghìn đồng. Ngoài ra, công nhân được hỗ trợ đường, sữa, nước mắm cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe tham gia lao động tốt, hiệu quả.
Mặt trời bắt đầu xuống núi, chúng tôi chuẩn bị lên xuồng ra huyện thì thấy nhiều chiếc xuồng máy chở người vào. Giám đốc Nguyễn Văn Hòa, phấn khởi nói: hôm nay công ty vừa huy động được 250 lao động ở các nơi, nếu duy trì được số lượng này thì không sợ gì kế hoạch năm 2013 không hoàn thành. Ngồi trên xuồng, anh Hòa vui vẻ chỉ tay lên phía cao có mấy chiếc máy xúc đang làm việc rồi nói “thời gian tới tuyến đường mở từ xã Mường Mít vào Tổ sản xuất số 2 hoàn thành thì việc đi lại không còn khó khăn nữa như bây giờ”. Một ngày không xa, diện tích nương trồng cây lương thực như lúa, ngô, sắn cho thu nhập thấp ngày nào sẽ được phủ xanh bạt ngàn bởi cây cao su, đó chính là cánh cửa để người dân vượt qua đói nghèo, xây dựng Than Uyên phát triển ngày một giàu đẹp...
Bài và ảnh:Việt Hoàng