Chương trình thể hiện rõ mục tiêu hỗ trợ tư liệu sản xuất nhằm tạo sinh kế, “trao cần câu” để người nghèo chủ động lao động sản xuất để cải thiện thêm thu nhập. Chương trình “ngân hàng bò” đã đồng hành cùng nhiều hộ nghèo và mang lại niềm vui để họ yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình bà Nông Thị Biển ở thôn 5, xã Thống Nhất hiện đã có thu nhập ổn định hơn sau khi nhận hỗ trợ từ “ngân hàng bò”. Trước đó, gia đình bà thuộc hộ nghèo của xã Thống Nhất. Năm 2014, gia đình bà được Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ hai con bò cái để phát triển sản xuất thuộc chương trình dự án “ngân hàng bò”.
Sau nhiều năm chăm sóc, gia đình bà đã bán 4 con để có kinh phí trang trải trong cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình đã hoàn trả lại 2 con bò cho dự án theo phương án chuyển giao tiếp cho các hộ còn khó khăn. Hiện nay, gia đình bà Biển còn nuôi 5 con. Bà Nông Thị Biển vui mừng chia sẻ: “Trước khi được hỗ trợ giống bò để nuôi từ Hội Chữ thập đỏ huyện, gia đình tôi rất khó khăn. Thu nhập chủ yếu của gia đình là đi làm thuê nên không dư dả. Từ lúc Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 2 con bò về nuôi, thu nhập ổn định hơn trước rồi. Mỗi năm, gia đình tiết kiệm một khoản tiền vốn từ việc bán bò trưởng thành”.
Đàn bò của gia đình bà Biển hiện có hai con đang mang thai, chỉ còn vài tháng số lượng đàn bò sẽ tiếp tục tăng thêm nên gia đình rất phấn khởi. Đàn bò không chỉ giúp gia đình bà tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống mà số tiền bán bò cộng với số vốn tiết kiệm được sau nhiều năm đã giúp gia đình xây dựng được căn nhà kiên cố, khang trang hơn. “Bò của gia đình tôi phát triển rất tốt. Chúng tôi luôn dành thời gian rảnh rỗi để đi cắt cỏ ở các ven suối, bờ ruộng và trồng thêm ít cỏ để đảm bảo không thiếu thức ăn, nhất là vào mùa khô. Gia đình tôi có được ngày hôm nay cũng một phần không nhỏ nhờ vào nguồn thu từ hỗ trợ bò giống”, bà Nông Thị Biển chia sẻ thêm.
Vợ chồng chị Điểu Thị Lé ở thôn 2, xã Thống Nhất mới được hưởng lợi từ chương trình "ngân hàng bò" chưa lâu cũng rất vui khi nhắc tới đàn bò được hỗ trợ đã sinh sản thêm. Gia đình chị Lé không có đất sản xuất, cuộc sống mưu sinh gắn liền với công việc làm thuê cuốc mướn, cuộc sống chật vật, thu nhập ít ỏi. Đầu năm 2019, niềm vui đến với hai vợ chồng khi được Hội Chữ thập đỏ huyện Bù Đăng hỗ trợ hai con bò về nuôi. Chị Lé cho biết, sau khi nhận bò, vợ chồng chị đã tận dụng khoảnh đất trống ở dưới bưng, bờ suối để trồng thêm cỏ. Hằng ngày, chồng đi làm thuê, còn chị sau khi hoàn thành việc nhà tranh thủ thời gian cắt cỏ cho bò. “Khoảng năm tháng nữa, bò mẹ sẽ tiếp tục đẻ thêm một con bê, nâng tổng đàn bò gia đình lên 4 con. Được chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống nuôi, gia đình tôi rất biết ơn và mừng lắm. Đến nay, gia đình tôi dù chưa hết khó khăn nhưng với số lượng bò phát triển tốt, trong thời gian tới bán đi sẽ có thêm thu nhập, đời sống ổn định hơn”, chị Lé chia sẻ.
Niềm vui của bà Nông Thị Biển và chị Điểu Thị Lé cũng là niềm vui chung của nhiều hộ bà con nghèo xã Thống Nhất được chương trình “ngân hàng bò” hỗ trợ. Tại xã Thống Nhất, chương trình đã hỗ trợ 12 con bò giống cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Tính đến nay, trên địa bàn xã đã từ con bò giống đã phát triển lên hàng chục con. Chủ tịch UBND xã Thống Nhất Vũ Phú Quang cho biết, chương trình "ngân hàng bò" đã giúp nhiều hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương vươn lên thoát nghèo. Mô hình này rất hiệu quả, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Chương trình “ngân hàng bò” ở huyện Bù Đăng đã đi chặng đường gần 8 năm. Những hộ nhận hỗ trợ sau khi phát triển đàn bò từ 3 đến 5 con sẽ hoàn trả lại số bò hỗ trợ ban đầu để chuyển giao cho các hộ khó khăn khác tiếp tục chăm sóc phát triển đàn. Từ khi thực hiện chương trình “ngân hàng bò”, huyện Bù Đăng đã có 22 con bò giống được chuyển giao luôn phiên cho các hộ nghèo, hộ khó khăn có nhu cầu. Nhiều hộ gia đình đến nay đã được hưởng thành quả sau khi bán bò và tiếp tục chăm sóc phát triển ngày càng tốt hơn.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bù Đăng Bùi Văn Thuận cho biết, Chương trình “ngân hàng bò” đã phát huy được tính hiệu quả, tạo thêm việc làm, giúp cho các hộ nghèo nâng cao thu nhập, từ đó từng bước thoát nghèo. Các hộ nhận hỗ trợ đã nhận thức cao, từng bước phát triển đàn và mang lại nguồn thu ổn định hơn trước.
Qua thực tế triển khai chương trình “ngân hàng bò” ở huyện Bù Đăng minh chứng số lượng đàn bò giống được hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều. Số lượng hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo và hộ nghèo được chuyển giao bò để phát triển chăn nuôi được tăng lên. Đây là tín hiệu mừng, mừng vì hiệu quả tích cực của dự án góp phần không nhỏ trong công tác đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.