Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến 16 giờ chiều 8/4, trên địa bàn 2 huyện Lục Yên và Văn Yên đã có 120 ngôi nhà của người dân bị hư hỏng (4 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và 116 ngôi nhà bị tốc mái), 400 ha ngô, cây lâm nghiệp bị gãy đổ. Ước thiệt hại khoảng 7,3 tỷ đồng. Trước tình hình thiệt hại trên, huyện Văn Yên trước mắt hỗ trợ gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15 triệu đồng.
Cùng ngày, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, tại thành phố Lào Cai, các huyện Sa Pa, Bắc Hà và Si Ma Cai (Lào Cai) đã xảy ra gió giật mạnh cấp 8-9, trong cơn dông kèm theo mưa đá gây nhiều thiệt hại về nhà ở, trường học, hoa màu, cây trồng. Thống kê sơ bộ, gió giật mạnh đồng loạt càn quét các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà làm tốc mái 71 ngôi nhà, trong đó 4 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 52 nhà bị tốc mái từ 50-70%, có 3 trường học bị thiệt hại về cơ sở vật chất.
Tại huyện Si Ma Cai, lốc xoáy mạnh bốc toàn bộ mái nhà của một hộ dân, có 4 nhà bị tốc mái 50%. Trường Tiểu học xã Quan Thần Sán bị tốc mái tôn của 5 phòng học. Tại các xã Tả Giàng Phìn (Sa Pa), Tả Van Chư, Lùng Phình và Thải Giàng Phố (Bắc Hà), lốc xoáy làm tốc mái 66 ngôi nhà, trong đó có 3 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 48 nhà bị tốc mái 50-70%.
Huyện Bắc Hà có 5 ha hoa màu bị lốc xoáy gây thiệt hại nặng, 3 ha ngô bị gãy đổ. Các trường Trung học cơ sở Tả Giàng Phìn (Sa Pa) và Tả Van Chư (Bắc Hà) bị tốc mái phòng học, bếp ăn và nhà bán trú. Đặc biệt, xã Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) đã xảy ra mưa đá trong cơn dông. Mưa kéo dài 10 phút (bắt đầu lúc 4 giờ 30 phút và chấm dứt lúc 4 giờ 40 phút). Mưa đá đi kèm mưa rào, đường kính trung bình hạt đá khoảng 1 cm, những hạt lớn lên đến 1,5 cm gây thiệt hại cho một số diện tích hoa màu của người dân địa phương.
Tại thành phố Lào Cai, gió xoáy đã vật đổ, làm gãy cành nhiều cây xanh trồng ven đường phố các phường Cốc Lếu, Kim Tân và Bắc Cường. Ngoài ra, gió xoáy làm vỡ cửa kính nhà một số hộ dân.
Trước đó, theo báo cáo nhanh số 39 ngày 5/4/2019 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, chiều 3/4 và rạng sáng 4/4 trên địa bàn huyện Mộc Châu xảy ra mưa kèm theo gió lốc, mưa đá làm 7 nhà bị tốc mái; thiệt hại 19,5 ha hoa màu và 44 ha cây ăn quả (ước tính tổng thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng).
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cho hay, sáng 1/4, trên địa bàn các huyện Đại Từ, Phú Lương đã xảy ra mưa, dông lốc làm 47 nhà và 56 công trình phụ bị tốc mái. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
Tại tỉnh Tuyên Quang, đêm 31/3 trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc làm 4 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 851 nhà và 6 phòng học bị tốc mái một phần; 159 ha hoa màu và 78,4 ha cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại; 98,6 ha cây rừng trồng bị nghiêng, gãy đổ; 12 cột điện bị đổ.
Mưa lớn trên diện rộng kèm mưa đá, dông lốc và gió giật mạnh cũng đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cụ thể ngày 29 và 31/3 đã gây tốc mái hoàn toàn 4 nhà, tốc mái một phần 32 nhà, thiệt hại 524 ha lúa, 219 ha keo và 150 cây ăn quả (ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng). Nắng nóng và các đợt mưa dông, sấm sét, tố lốc tại huyện Tây Giang gây thiệt hại 33ha cây keo.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp chính quyền tại địa phương đã tổ chức xuống thăm hỏi, động viên những gia đình bị thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, tổng hợp thông tin thiệt hại do thiên tai, gửi báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên liên lạc với các tỉnh có lượng mưa trong ngày lớn, các tỉnh có cảnh báo về nguy cơ giông, lốc sét, sạt lở đất để nắm bắt tình hình; chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó.
Nhận định về diễn biến thời tiết trong tháng 4, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng, trong tháng này có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 đợt không khí lạnh (cường độ từ yếu đến trung bình và lệch Đông). Nền nhiệt trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn giá trị trung bình nhiều năm. Lượng mưa trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, các khu vực khác phổ biến ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Do đang giai đoạn chuyển mùa cần đề phòng tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh đi kèm trong cơn mưa dông trên cả nước, đặc biệt ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi các tỉnh miền Trung và Nam Bộ có khả năng xuất hiện nắng nóng diện rộng. Tình trạng ít mưa vẫn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.