Đến nay, các hạng mục vẫn đảm bảo an toàn. Hiện tại mực nước hồ cao hơn mực nước dâng bình thường là 1 mét. Để đảm bảo an toàn cho công trình, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo điều tiết lượng nước đi bằng lượng nước đến để ngang bằng mực nước dâng bình thường. Khi ngang về mặt nước dâng bình thường thì tiếp tục giảm xả nước về vùng hạ du để hạ mức nước các sông ở vùng hạ du, giúp cho tình trạng ngập ở thành phố Huế giảm nhanh.
Lực lượng công an tuần tra hướng dẫn người, phương tiện tránh trú lũ lụt và cứu trợ cho người dân vùng lũ. |
Theo đánh giá của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Phó Trưởng ban Thường trực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn, sau khi kiểm tra tình hình diễn biến mưa lũ và công tác ứng phó của tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 7/11, địa phương đã chủ động trong công tác chỉ đạo vận hành, điều tiết nước của các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn một cách khoa học, vừa đảm bảo cho công trình và đảm bảo cho vùng hạ du. Bên cạnh đó, tỉnh sớm nắm bắt tình hình thiệt hại của người dân để có phương án khắc phục và hỗ trợ kịp thời, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến sáng 8/11, mưa lũ đã làm 9 người chết, 3 người bị thương. Tại huyện Nam Đông có 20 người đi rừng, đến nay chưa về. Toàn tỉnh có 70.249 nhà bị ngập lụt từ 0,2 - 0,8 m. Trên tuyến biển, đoạn bờ biển qua thôn 4, xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) sóng đã đánh trôi khoảng 200 m, nguy cơ mở cửa biển mới. Trước mắt, Bộ đội Biên phòng cùng lực lượng địa phương đang tập trung rọ đá, bao cát để hàn khẩu. Tại thành phố Huế, khoảng 50% tuyến đường đang ngập từ 0,3 - 0,5 m. Nhiều đoạn đường, tỉnh lộ trên địa bàn bị ngập sâu từ 0,4 -1,2 m.
Nước lũ dâng cao, chảy xiết, khiến 35 lồng nuôi cá trên sông Bồ đoạn qua huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) bị trôi. Số cá còn lại bị chết ngạt do nước đục, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Tại xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền), hàng chục lồng cá quy mô lớn, trong đó có gần 200 ô cá diêu hồng, cá rô phi… bị chết hoặc trôi lồng. Ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Sỹ Nguyên cho biết, lũ về quá nhanh khiến người nuôi cá lồng không kịp trở tay. Không riêng gì Quảng Điền, dọc sông Bồ tại phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà), hàng chục lồng cá của người dân bị lũ đẩy vào sát bờ, cá chết nổi trắng lồng.
Tại huyện A Lưới, có 86 hồ cá bị trôi do nước tràn hồ; thị xã Hương Trà có 12 hồ cá của người dân bị nước cuốn trôi do vỡ hồ, 12 lồng cá bị trôi do đứt dây neo; huyện Phong Điền có 10 lồng cá bị trôi; thị xã Hương Thủy có 12 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là nước lũ rút đến đâu khắc phục hậu quả đến đó. Việc vận hành hệ thống hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn phải đảm bảo an toàn, tuân thủ nghiêm quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa.
Tại huyện Nam Đông, các lực lượng tại chỗ tập trung khắc phục điểm sạt lở đất đường tỉnh lộ 14B đoạn đèo La Hi ở 4 địa điểm. Huyện A Lưới tập trung khắc phục sạt lở 6 điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49... Lực lượng tại chỗ của địa phương đã cứu hộ thành công 20 người bị cô lập trên đèo Tà Lương (A Lưới) từ 15 giờ 30 phút ngày 6/11. Huyện Phú Lộc khắc phục bước đầu sạt lở khu vực sông Bù Lu (xã Lộc Vĩnh) sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m; sạt lở bờ sông Nước ngọt (xã Lộc Thủy) dài khoảng 1.500m, lấn sâu vào gần nhà dân, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến 3 hộ sông gần bờ sông, hiện đã di dời các hộ này đến nơi an toàn….
Trong các ngày 7/11 và 8/11, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế huy động hơn 200 đoàn viên thanh niên tích cực vệ sinh, dọn bùn lũ, làm sạch các tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng và Bạch Đằng dọc hai bên dòng sông Đông Ba. Bên cạnh đó, chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc thành lập các đội thanh niên tình nguyện ứng cứu nhanh, khắc phục hậu quả mưa lũ...
Tỉnh tăng cường dự báo mưa, theo dõi mực nước ở các hồ chứa để có sự chỉ đạo điều tiết, vận hành khoa học, vừa đảm bảo cho công trình và đảm bảo cho vùng hạ du. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Trung ương hỗ trợ thuốc tiêu độc cho vùng ngập lụt và hỗ trợ gạo cho người dân vùng ngập lụt; các bộ, ngành sớm có kế hoạch giúp tỉnh khắc phục các công trình giao thông quốc gia bị hư hại để đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân...