Vẫn còn nhiều vi phạm
Theo Sở Xây dựng, việc phát triển công viên, vườn hoa công cộng chưa đạt chỉ tiêu quy hoạch. Một số công viên như Thống Nhất, vườn thú Thủ lệ, các vườn hoa... đã được đầu tư xây dựng từ lâu, cảnh quan kiến trúc đã xuống cấp; công tác quản lý duy trì, vận hành chưa hiệu quả. Trên địa bàn các huyện, số lượng công viên vườn hoa còn ít so với quy hoạch đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi của người dân. Bên cạnh đó, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường cảnh quan tại một số công viên, vườn hoa còn hạn chế, vẫn còn tình trạng tái vi phạm bán hàng quán, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị.
Vi phạm các công trình xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ vẫn chưa được xử lý dứt điểm. |
Gây bức xúc trong dư luận là sai phạm dai dẳng nhưng chưa được xử lý tại Công viên Tuổi Trẻ. Dù đã có kết luận của UBND thành phố giao cho các ban ngành hữu quan kiểm tra toàn bộ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, xác định nguyên nhân các công trình vi phạm, các hoạt động kinh doanh không đúng quy định; tuy nhiên, các công trình này vẫn tồn tại. Anh Nguyễn Văn Thoại (khu tập thể Thanh Nhàn) cho biết: “Các sân tennis, sân bóng đá mini... vẫn gây cản trở việc người dân vào vui chơi, tập thể dục”.
Lãnh đạo Sở Xây dựng thừa nhận, việc xử lý vi phạm về trật tự xã hội một số công trình xây dựng, công năng sử dụng sai mục đích đã được thực hiện, nhưng tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một phần do trong quá trình đầu tư xây dựng, quy hoạch quản lý, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng chưa quyết toán, công nợ giữa các đơn vị xảy ra nhiều năm chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế (Hội đồng nhân dân thành phố) cho biết: “Qua đợt giám sát tại các dự án xây dựng năm 2015 nổi lên rõ nhất là các vi phạm lấn chiếm phần diện tích làm khoảng không dành cho công viên, cây xanh. Tại các khu đô thị mở rộng, cây xanh chỉ được quan tâm ở mức độ từng dự án nhỏ lẻ riêng biệt, hầu như không có công viên phục vụ cấp khu vực. Tại các đô thị lớn, tỉ lệ cây xanh rất thấp và không được đầu tư nâng cấp. Các công viên cây xanh khu vực ven đô chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng bị tư nhân chiếm dụng, sử dụng sai mục đích”.
Triển khai đúng quy hoạch
Theo quy hoạch phát triển hệ thống công viên cây xanh Hà Nội đến năm 2030, khu vực nội đô Hà Nội sẽ có 60 công viên, vườn hoa đô thị; trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới. Hiện tổng diện tích công viên, vườn hoa của Thủ đô là khoảng 280 ha, chiếm khoảng 2% diện tích. Trong các quận nội thành cũ, diện tích cây xanh ngày càng thu hẹp do tác động của áp lực kinh tế xã hội và thiếu kiểm soát trong quản lý đô thị. Do đó, để duy trì hệ thống công viên, cây xanh, trong khu vực nội đô triển khai các dự án đầu tư xây dựng công viên chuyên đề sẵn có như công viên Bách Thảo, vườn thú Thủ Lệ; cải tạo, chuyển đổi hình thức tổ chức không gian một số công viên sang hình thức công viên mở, dành quỹ đất phù hợp sau khi di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học... cho không gian xanh… phấn đấu chỉ tiêu cây xanh, công viên khu vực nội đô đến năm 2030 dự kiến khoảng 4 - 4,5 m2/người.
Trong khi đó, tại các khu vực ven đô, thành phố đang triển khai một loạt dự án như Khu công viên và hồ điều hòa khu phía bắc và phần mở rộng phía nam nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy và Nam Từ Liêm) với diện tích hơn 15 ha với tổng mức đầu tư hơn 815 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2017; dự án Công viên, hồ điều hòa Nhân Chính (Thanh Xuân) rộng hơn 13 ha với tổng mức đầu tư gần 299 tỷ đồng. Dự án này sẽ khời công trong quý 1/2016...
Theo Sở Xây dựng, sau hơn 2 năm triển khai theo Quy hoạch phát triển hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh đến năm 2030, thành phố đã huy động nhiều nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công viên, vườn hoa, hồ nước. Thành phố đã hoàn thành nhiều công trình như: Công viên Hòa Bình, Yên Sở, Yên Hòa, Việt Hưng, Sài Đồng... Bên cạnh việc đầu tư xây dựng công viên tập trung, thành phố cũng phân cấp cho các quận, huyện, thị xã xây dựng, hoàn thiện các vườn hoa trong các khu phố. Do đó, 4 quận nội thành đã hoàn thành cải tạo 18 vườn hoa, thị trấn 23 vườn hoa. Tại các khu dân cư, chung cư, các vườn hoa - sân chơi nhỏ thuộc thiết chế văn hóa của các phường từng bước được phục hồi...
Việc quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa thực hiện theo phân cấp từ năm 2014. Theo đó, thành phố giao Sở Xây dựng quản lý duy tu, duy trì các công viên cấp thành phố (Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình, Thông Nhất...), hệ thống cây xanh đô thị trên các tuyến đường phố chính, đường trục khu vực. UBND các quận, huyện quản lý duy tu, khai thác các công viên, vườn hoa, thảm cỏ trong các khu dân cư, dải phân cách trên các tuyến đường khu vực theo địa bàn hành chính do quận huyện được giao quản lý. Nhờ đó, việc quản lý duy trì của các đơn vị đã được thực hiện khá tốt.
Sở Xây dựng thực hiện tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc quản lý, duy trì và đảm bảo vệ sinh môi trường tại các công viên, vườn hoa trên địa bàn, sử dụng sai mục đích tại các công viên, vườn hoa gây mất mỹ quan đô thị, trật tự đô thị. Từ năm 2015, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện kiểm tra 281 vườn hoa, công viên, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố, qua đó xử lý hàng trăm vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm, vi phạm trật tự đô thị. “Một trong các giải pháp hoàn thiện, cải tạo môi trường các khu công viên là tổ chức đấu thầu công tác duy trì công viên, vườn hoa, hồ nước trong năm 2016. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyên các quận, huyện, thị xã trong quản lý duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh. Tập trung đầu tư, tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư để huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển công viên cây xanh trên địa bàn thành phố”, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng cho biết.