Là thương binh hạng 1/4, vết thương năm xưa luôn hành hạ nhưng ông Sỹ vẫn nỗ lực vượt lên nỗi đau bệnh tật, ổn định cuộc sống gia đình, đóng góp cho sự phát triển quê hương.
Không đầu hàng số phận
Sinh năm 1949 trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Sỹ tham gia cách mạng ngay khi mới 16 tuổi. Cùng đồng đội trong Tiểu đoàn 6, Bình Tân, ông Sỹ trực tiếp cầm súng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, nhất là trong những năm 19-1969. Năm 1976, ông Sỹ xin phục viên trở về quê hương, với mức thương tật sức khỏe 81%.
Trở về quê hương, ông Sỹ lập gia đình với bà Phan Thị Gái, cựu nữ dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, điều kiện kinh tế khó khăn, bệnh tật thường xuyên hành hạ nhưng bằng nghị lực của người lính đã được tôi luyện qua lửa đạn, ông Sỹ cùng vợ tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống, nuôi dạy các con.
Chỉ vào túi chứa nước tiểu - “vật bất ly thân” với ông từ bao năm qua do một viên đạn xuyên qua hông làm thủng bàng quang, ông Sỹ chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp rất vất vả, người lành còn khó khăn nữa là mang thương tật như ông. Tuy nhiên, ông luôn cảm thấy mình may mắn hơn bao đồng đội đã ngã xuống. Chính điều đó càng thôi thúc ông cố gắng để cùng vợ chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Hồi tưởng về những năm tháng khó khăn ấy, bà Phan Thị Gái cho biết, thời đó rất vất vả, ông Sỹ ốm triền miên, có thời gian nằm ở Bệnh viện 175 (Bộ Quốc phòng) gần 3 năm nên việc sản xuất nông nghiệp rất gian nan.
Bằng nghị lực phi thường cùng sự tận tình của người vợ hiền, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Sỹ đã xây dựng được cơ ngơi khang trang và nuôi dạy các con trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Dù tuổi đã cao và luôn phải chiến đấu với bệnh tật nhưng hàng ngày ông Sỹ vẫn bận rộn với công việc chăm sóc mảnh vườn đầy cây trái, hai con trâu và các công việc thường ngày của người đàn ông trụ cột gia đình. Ông tâm niệm, còn sức khỏe là còn lao động, cống hiến, đóng góp cho xã hội, đất nước, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ.
Vì niềm vui của cộng đồng
Không chỉ nỗ lực trong cuộc sống hằng ngày, ông Sỹ còn là cựu chiến binh gương mẫu trong các phong trào của Hội, tích cực tham gia hoạt động xã hội tại địa phương, đặc biệt trong công tác đền ơn, đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo, giúp đỡ cộng đồng.
Giống như các địa phương vùng ven thành phố, những năm qua, giá đất tại xã Vĩnh Lộc A tăng nhanh theo mức độ đô thị hóa. Vậy mà giữa lúc “tấc đất - tấc vàng” ấy, ông Sỹ đã tự nguyện hiến 1.200 m2 đất làm đường để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trước cửa nhà ông xưa kia chỉ là một lối mòn ven bờ kênh rất nhỏ, đi lại khó khăn. Trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới, năm 2017, ông Sỹ bàn với vợ, tự nguyện cắt đất của gia đình, làm con đường dài 300 mét với bề ngang 4 m, đảm bảo cho các phương tiện cơ giới có thể lưu thông. Từ ngày có con đường mới, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con đã thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Sỹ tâm sự: Khi cuộc sống đã ổn định, ông muốn chung tay với ấp, xóm xây dựng nông thôn mới, làm con đường sạch sẽ cho bà con đi lại. Vợ tôi và các con cũng ủng hộ, sẵn sàng hiến đất cho nhà nước làm đường.
"Giờ nếu nhà nước muốn mở rộng thêm tôi cũng nhất trí cùng bà con hiến thêm đất, miễn là cả hai bên đồng lòng, nhất trí”, bà Phan Thị Gái cười hiền khi góp thêm lời chồng.
Theo ông Phùng Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Bình Chánh: Ông Nguyễn Văn Sỹ là đảng viên uy tín tại địa phương, nhiệt tình tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh, công tác xã hội, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Ông Sỹ đã hiến đất với giá trị hàng tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, thể hiện tinh thần cao đẹp của người lính cụ Hồ. Ông là tấm gương sáng "thương binh tàn nhưng không phế".