Cụ thể, vào thời điểm 10-12 giờ, chỉ số tia UV ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao tại các thành phố như: Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh là 8, thành phố Hải Phòng là 9.3; thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế); thành phố Đà Nẵng và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là 9.7; thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 9.6; thành phố Cần Thơ là 8.4; thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là 9.1; TP Hồ Chí Minh là 10.
Trong 3 ngày tiếp theo (3-5/5), chỉ số tia UV tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có xu hướng giảm nhẹ từ nguy cơ gây hại rất cao đến nguy cơ cao; tại thủ đô Hà Nội chỉ số UV tăng nhẹ và đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao là 7-9. Thành phố Hải Phòng, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ chỉ số UV ít thay đổi và đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao là 9-10.
Các nhà khoa học cho rằng, việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Hơn nữa, việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt trong 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Ngày 2/5, chỉ số nhiệt cực đại (HI- Heat Index) tại tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), TP Hồ Chí Minh, thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đều ở ngưỡng đặc biệt cẩn trọng là 32-41.
Đây là chỉ số kết hợp nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong các khu vực bóng râm để ấn định nhiệt độ tương đương theo cảm nhận của con người. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ số nhiệt cực đại ở mức dưới 27 là an toàn, từ 27-32 là ở mức cẩn trọng; từ 32-41 thuộc mức đặc biệt cẩn trọng, có thể gây mệt mỏi nếu con người duy trì tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Chỉ số nhiệt cực đại có mức 41-54 là mức nguy hiểm; nếu chỉ số này đạt trên 54 là mức cực kỳ nguy hiểm.