Những bài học kinh nghiệm bổ ích
Từ thực tiễn công tác của mình, đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã chắt chiu, tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần chuẩn bị cho mình tâm thế sống chung an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo ông Phan Thái Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy Phường 2, quận Phú Nhuận, những thành quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua là công sức, là tinh thần chiến đấu của tập thể cán bộ, viên chức phường, cùng đội ngũ y tế, công an, quân sự và các lực lượng tình nguyện, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng tình của các tầng lớp nhân dân.
Ông Phan Thái Hoàng Sơn cho biết, qua kết quả đã đạt được, Đảng ủy phường cũng rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm sâu sắc, nhất là chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả, đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa bàn và theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh. Đó là sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị phường, vai trò của Đảng ủy, Chi bộ, Ban điều hành khu phố tham gia trực tiếp, đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. "Ngoài ra cũng cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân", ông Phan Thái Hoàng Sơn chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch tại địa bàn cơ sở, bà Ngô Thị Hiền, Chủ tịch UBND Phường 10, Quận 3, cho rằng: Lãnh đạo phường luôn bám sát địa bàn, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và cùng tham gia phòng, chống dịch với chính quyền. Việc tuyên truyền phòng, chống dịch được tổ chức tương tác với người dân bằng nhiều phương thức như qua loa phát thanh, phát hành bản tin cập nhật về tình hình dịch bệnh trên địa bàn qua fanpage của phường, trong đó nêu rõ số ca nhiễm, ca tử vong, lũy kế trường hợp khỏi bệnh, số đang cách ly tại nhà… để người dân biết và chủ động phòng, chống.
Một trong những kinh nghiệm quan trọng được nhiều đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các phường, xã tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cần phải triển khai dứt khoát, triệt để nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân. Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả, không để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong" để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch. Đặc biệt, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Thông tin về các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trước hết là cả hệ thống chính trị, trực tiếp là các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từ thành phố đến cơ sở phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế. Kinh nghiệm thứ hai rất quan trọng, đó là sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các “pháo đài” xã, phường, thị trấn. “Thủ tướng nhiều lần đã kiểm tra Trưởng ban Chỉ đạo ở phường, xã, các đồng chí rất “thuộc bài”, nắm chắc và điều hành công việc rất tốt”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch ở các địa phương không giống nhau nên sự linh động, linh hoạt ở cấp sơ sở, thích ứng với tình hình là điều đáng hoan nghênh. Thực tế đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình ở cấp cơ sở, TP Hồ Chí Minh đã kịp thời nhận diện và chia sẻ kinh nghiệm trong toàn địa bàn.“Qua thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, đã nâng cao vai trò của các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn - những “chỉ huy trưởng các pháo đài”, tạo niềm tin về việc vận hành hiệu quả cơ chế chỉ huy. Một số địa phương đã chủ động, sáng tạo, có những cách làm mới, mô hình hay”, ông Mãi cho biết.
Theo dõi sát các hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở trong thời gian qua, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II, cho biết: Không phải đến phòng, chống dịch COVID-19, mà trong bất cứ hoàn cảnh nào đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung, trong đó có đội ngũ cán bộ cơ sở ở TP Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng đối với mọi hoạt động của xã hội trên địa bàn. Chúng ta đều biết là trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua ở Thành phố, có rất nhiều cán bộ cơ sở đã lăn lộn mấy tháng trời để thực hiện nhiệm vụ và nhiều người trong số họ cũng mắc COVID-19, thậm chí đã hy sinh.
Trong phòng, chống dịch lúc ban đầu đã có những bỡ ngỡ, lúng túng, song càng về sau, việc chống dịch ở cơ sở càng đi vào nền nếp, với việc cụ thể hoá và sáng tạo ở nhiều cơ sở, như việc thành lập các Tổ phản ứng nhanh ứng phó COVID-19 nhằm kịp thời cấp cứu người nhiễm chuyển nặng, các mô hình đi chợ hộ, cung cấp số điện thoại của các lãnh đạo chủ chốt để người dân liên hệ, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng… "Việc chống dịch vừa qua và hiện nay ở TP Hồ Chí Minh thì tất cả đội ngũ của hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Những người ở tuyến đầu chịu nhiều vất vả nhất, trong đó có đội ngũ cán bộ cơ sở. Và cũng qua phòng, chống dịch, đã có nhiều mô hình hay, sáng tạo ra đời, mang lại nhiều lợi ích thiết thực”, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh.
Theo Tiến sỹ Vũ Trung Kiên, rõ ràng qua chống dịch đã bộc lộ rất nhiều vấn đề, nhất là bộc lộ rõ năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Ở địa phương nào mà đội ngũ cán bộ cơ sở trách nhiệm, năng động, sáng tạo, am hiểu địa bàn, am hiểu đời sống dân cư thì đều có những giải pháp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Ngược lại, nơi nào cán bộ cơ sở yếu kém, không am hiểu dân cư, địa bàn, thường lúng túng trong cách xử lý.
"Thử lửa" với cán bộ cơ sở
Từ thực tiễn yêu cầu của các mặt công tác, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, có thể nhận thấy yêu cầu về củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện nay là hết sức cấp thiết, quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đã là gốc thì phải tốt, phải khỏe mới có thể nâng đỡ, giúp cho cây phát triển tươi tốt, vững chắc. Lời dạy của Bác một lần nữa đề cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở vì đây là lực lượng gần dân nhất.
Đề cập đến nội dung này, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong phần đúc kết các bài học kinh nghiệm, bài học đầu tiên được nhắc đến là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Quyết liệt, kiên trì đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy có trọng tâm, trọng điểm để tạo các chuyển biến có tính đột phá. Vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu là nhân tố quyết định thành công… Một bài học kinh nghiệm khác cũng được đề cập, đó là đánh giá, quy hoạch, bố chí đúng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trước cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn ngày 16/8 vừa qua, điện thoại động viên và thăm hỏi Đảng bộ, chính quyền nhân dân TP Hồ Chí Minh qua Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bên cạnh động viên Đảng bộ và đồng bào TP Hồ Chí Minh kiên cường ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng yêu cầu thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những nhân tố tích cực, dám nghĩ, dám làm, làm có hiệu quả, đồng thời phát hiện cán bộ làm kém hiệu quả để xử lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị TP Hồ Chí Minh đã cố gắng phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết thì đoàn kết hơn và đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa. Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, thành phố anh hùng, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên..., nhất là các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải là một chiến sĩ kiên cường trong chống dịch. Mọi biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu quyết tâm, tiêu cực lúc này đều không đúng.
Mới đây nhất, ngày 11/10, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, khi đề cập đến nội dung phải hiểu đúng vai trò các “pháo đài”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nói đến "xã, phường là pháo đài chống dịch" thực chất là khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của địa bàn cơ sở và đề cao vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Khái niệm "pháo đài" không phải để các địa phương biệt lập, ra các quyết định trái với quy định của Trung ương, của thành phố để ngăn sông cấm chợ, ngăn cản lưu thông hàng hóa, dịch vụ và dịch chuyển lao động.
Nhấn mạnh vai trò của các “pháo đài” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu: Các xã, phường, thị trấn phát huy mạnh mẽ là các "pháo đài" tiếp tục kiện toàn, củng cố lực lượng, nắm chắc tình hình dân cư, đẩy mạnh công tác truyền thông yêu cầu người dân nêu cao cảnh giác phòng, chống dịch mọi lúc, mọi nơi, không lơ là, mất cảnh giác, chủ quan và chuẩn bị tâm thế thay đổi thói quen, lối sống, thích nghi với điều kiện “bình thường mới”.
Mặt khác, để chuẩn bị cho việc thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cùng với xây dựng các chiến lược, kế hoạch về phòng, chống dịch, khôi phục kinh tế, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao các Ban Đảng xây dựng các chiến lược về công tác dân vận trong tình hình mới và chiến lược tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Dưới góc độ nghiên cứu, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên cho rằng, cùng với xu thế chung của thế giới hiện nay là thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, điều này đặt ra trọng trách rất lớn của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc nắm chắc địa bàn, ứng xử linh hoạt, phù hợp, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ở cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch COVID-19. “Cũng thông qua những cọ xát thực tiễn này, các cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm sẽ có những biện pháp cụ thể để thay thế những cán bộ yếu kém bằng đội ngũ với những người năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…”, Tiến sỹ Vũ Trung Kiên nhấn mạnh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng nhấn mạnh đến mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp theo hướng nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện về phát triển ở địa phương… Cùng với đó, là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực tốt, gắn bó, hết sức phục vụ nhân dân; chú trọng và tăng hơn nữa tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là nữ, cán bộ trẻ tuổi, cán bộ xuất thân từ công nhân.
Với những định hướng căn bản nêu trên, cũng như trước những đòi hỏi, yêu cầu mới trong bối cảnh hiện nay, nhất là từ công tác quản lý, lãnh đạo phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và sắp tới, có thể nói, cùng với những thách thức, khó khăn, đây cũng cơ hội để TP Hồ Chí Minh đánh giá, sắp xếp và hơn hết là củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đang đặt ra, không chỉ trước mắt và cả lâu dài, qua đó là góp phần triển khai các nội dung của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, thiết thực nhất.