Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
Tính đến chiều tối ngày 4/6, tròn 49 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng; tổng số mắc vẫn giữ nguyên 328 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 8.143 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 83; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.964; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.096 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 9 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 4 ca.
Về sức khoẻ của BN91 là nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đến chiều 4/6, ngoài những diễn biến tích cực trước đó như đã mỉm cười, thực hiện được các y lệnh của bác sĩ, hiện tại BN91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO sáng ngày 3/6. Đến nay sau 24 giờ ngừng sử dụng ECMO, bệnh nhân vẫn ổn định.
Kết quả chụp XQ phổi của bệnh nhân cải thiện. Phổi trái của bệnh nhân đã thông khí hơn 50%, phổi phải hơn 8%. Bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực.
Trong những ngày tới, nam phi công sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới. Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.
Tiếp tục thực hiện nghiêm phương án cách ly chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam
Sáng 4/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác cách ly tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bắc Ninh và Thái Nguyên dành cho các chuyên gia đến Việt Nam làm việc; kiểm tra khu vực cách ly tổ bay tại một số khách sạn ở Hà Nội. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố khác nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh công tác cách ly chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.
Hiện đã có trên 1.800 chuyên gia được cách ly, dự kiến trong tháng 6 và tháng 7 sẽ tiếp tục đón khoảng 2.700 chuyên gia. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương báo cáo tình hình thực hiện cách ly, bố trí các khách sạn, nơi lưu trú theo hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho người dân.
Nhận định tình hình dịch COVID-19 trong nước đang được kiểm soát tốt, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhấn mạnh nhiệm vụ giữ an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân trong nước nhưng không thể đóng cửa hoạt động thương mại lâu dài, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận tình hình đón người Việt Nam về nước; đón nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, quản lý doanh nghiệp… người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian lâu dài hoặc đến trong thời gian ngắn.
Theo đó, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất thực hiện đồng bộ các biện pháp trên tinh thần “mục tiêu kép”, đảm bảo ưu tiên sự an toàn cho người dân. Đây cũng là một trong những yêu cầu cao của lãnh đạo Đảng, nhà nước trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất của Bộ Y tế về việc miễn giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 đối với chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư… khi nhập cảnh vào Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện cách ly y tế 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán, xác định SARS-CoV-2 và các biện pháp phòng chống dịch khác theo quy định với những chuyên gia đến Việt Nam làm việc trong thời gian lâu dài.
Các đơn vị quân đội có nhiệm vụ tiếp nhận cách ly ở các khu ký túc xá tập trung với tất cả các lưu học sinh Lào, Campuchia, Trung Quốc học tập tại Việt Nam, nhập cảnh qua đường bộ. Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm với thành viên tổ bay, đảm bảo vận chuyên riêng biệt thành viên tổ bay từ khi nhập cảnh về khu cách ly đến sân bay. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương nêu rõ những điểm thực hiện tốt và chưa tốt; đồng thời đề xuất hình thức động viên, biểu dương phù hợp cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Đưa gần 340 công dân Việt Nam từ Anh về nước an toàn
Trong hai ngày 3 và 4/6/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Anh tổ chức chuyến bay đưa gần 340 công dân Việt Nam trở về nước an toàn.
Hành khách trên chuyến bay bao gồm nhiều trẻ em dưới 18 tuổi, sinh viên đã hoàn thành khóa học, hết hạn visa, gặp khó khăn về chỗ ở do trường học và ký túc xá đóng cửa, người cao tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, có tiểu sử bệnh lí nền, người đi du lịch, công tác ngắn hạn bị kẹt lại.
Để tổ chức thành công chuyến bay theo kế hoạch, trong bối cảnh nước Anh thực hiện các lệnh giới nghiêm vì dịch bệnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục cần thiết; phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình di chuyển đến sân bay. Đại sứ cùng các cán bộ đã có mặt tại sân bay để trực tiếp hỗ trợ công dân trong quá trình làm thủ tục lên máy bay.
Chuyến bay được đảm bảo chặt chẽ về an ninh, an toàn, các quy định về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh dịch tễ. Sau khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, những người tham gia chuyến bay đều đã được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Nhiều khoản thu giảm mạnh do COVID-19
Theo Bộ Tài chính, mặc dù dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần khôi phục, nhưng do hệ lụy của dịch bệnh, kết hợp chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất nên số thu ngân sách Nhà nước tháng 5/2020 đạt thấp.
“Trước tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh... tạo sức ép ngày càng lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước - NSNN", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Thông tin từ Tổng cục Thuế sáng 4/6, trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn quốc có 48.341 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 5.419 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái; có 30.607 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, giảm 90 doanh nghiệp; có 19.963 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 3.078 doanh nghiệp; nhưng cũng có 11.629 doanh nghiệp khôi phục kinh doanh, tăng 1.421 doanh nghiệp. Đến cuối tháng 5/2020, toàn quốc có 773.176 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 15.643 doanh nghiệp (tăng 2,06%) so với thời điểm cuối năm ngoái.
Theo Bộ Tài chính, mặc dù giá dầu thô thế giới gần đây có xu hướng tăng (giá dầu Brent hiện dao động ở mức 32 - 35 USD/thùng) nhưng do độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam tháng 5/2020 đạt khoảng 24 USD/thùng, thấp hơn 36 USD/thùng so với giá dự toán. Thu từ dầu thô tháng 5/2002 ước đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1 nghìn tỷ đồng (âm 40%) so với tháng 4. Nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 5/2020 ước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng (âm 6,9%) so tháng trước.