Trong thời gian qua, đời sống của nông dân ở những địa phương thuần nông đã gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập từ làm ruộng không còn được như trước, khiến nhiều hộ dân quyết định trả ruộng. Trong khi đó, ngành nghề phụ không có, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cũng chưa hiệu quả. Làm thế nào để cải thiện đời sống cho người nông dân thực sự đã trở thành vấn đề bức thiết.
Bài 1: Khó khăn ở vùng thuần nông
Nằm cách trung tâm thị trấn huyện hơn 20 km, xã thuần nông Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được coi là 1/43 xã nghèo nhất của Hà Nội nên đã được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng.
Cảnh làng quê ở xóm Đồng Cỏ, xã Việt Đoàn. |
Anh Trịnh Bá Đức, cán bộ xã Đông Lỗ phụ trách mảng lao động xã hội, dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về đời sống người dân, cho biết: Cách đây 2 năm, mấy trận mưa như cơn bão số 6, số 7 vừa qua thì không xe nào vào xã được mà chỉ có xắn quần đi bộ vào làng. Giờ hạ tầng nông thôn được đầu tư nên người dân đi lại cũng đỡ vất vả. Tuy vậy, đời sống người dân chủ yếu trông vào ruộng nên vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhà bà Lương Thị Hải nằm sâu trong một ngõ nhỏ và là gia đình vừa thoát nghèo tại thôn Đào Xá (xã Đông Lỗ). Bà Hải cho biết: Nhà bà chỉ trông vào 2 vụ lúa với diện tích 13 sào, trừ chi phí tính ra lãi khoảng 2,5 triệu đồng/vụ. “Đấy là những năm được mùa, còn gặp thiên tai, dịch bệnh thì nông nghiệp mất trắng. Chính vì vậy, thỉnh thoảng tôi có đi làm thêm theo thời vụ trong làng xã, ai thuê gì làm nấy. Tiền công thì tùy công việc, khoảng 200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên công việc không ổn định. Điều đáng lo nhất với gia đình hiện nay là chồng tôi đi khám mắc bệnh viêm phổi nên tiền của tích góp được đang lo chữa chạy cho ông”, bà Hải tâm sự.
Ông Trịnh Việt Hào, trưởng thôn Đào Xá cho biết: “Chúng tôi làm thuần nông nên đời sống các hộ hầu hết sàn sàn nhau. Chỉ có khoảng chục hộ làm nghề đàn truyền thống hoặc làm ăn buôn bán thì khá giả. Chỉ trông chờ vào cây lúa thì rất khó khăn”.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương thuần nông khác của vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài mấy sào ruộng, gia đình bà Trương Thị Mừng, ở thôn Thọ Xuyên, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, còn nhận thêm cả mẫu ruộng 5% của HTX để làm thêm. Tuy nhiên, như bà Mừng chia sẻ: Làm nông vất vả. Năm nay chuột bọ nhiều nên năng suất sẽ khó cao. Dù nhận thêm ruộng của một số người trong thôn không làm nhưng làm nông thu nhập ít. Nếu thời tiết thuận lợi, tính ra 1 sào thu được vài chục cân thóc, diện tích nhiều thì số lượng tăng theo. Khoảng 1 năm trở lại đây, do mọi chi phí mọi thứ đều tăng, nên thu nhập làm nông thấp. Chính vì vậy, thanh niên trong làng đều rủ nhau đi làm công nhân.
Bà Bùi Thị Dung, người trong xã Lam Sơn, chia sẻ với chúng tôi bằng những con số, thu nhập từ làm ruộng: Nếu thuê hoàn toàn tính trên 1 sào thì công cấy 250.000 đồng, gặt 250.000 đồng, máy cày 250.000 đồng, rồi tính cả phân bón và thuốc trừ sâu. Nếu xảy ra dịch bệnh phải phun 4 - 5 lần. Trong khi đó, hết vụ chỉ thu được 1,5 tạ thóc, trừ chi phí, lãi được 20 - 30 kg thóc/sào cả vụ. Trong khi đó, chúng tôi đóng nhiều khoản cho thôn như quỹ trẻ em, làm đường...”. “Chỉ trông chờ vào làm ruộng thì không có tích lũy. Ở làng, nhà nào có điều kiện đều tìm việc trên thành phố, kể cả việc thời vụ như trông trẻ, thợ xây. Tính ra, tất cả công việc này đều hơn làm nông nghiệp”, bà Dung chia sẻ.
Cũng tương tự tình cảnh của thôn Thọ Xuyên (Hải Dương), ông Vương Hữu Bằng, trưởng xóm Đồng Cỏ (thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, tỉnh Bắc Ninh), chia sẻ: “Vùng chúng tôi là vùng thuần nông chỉ trông vào cây lúa. Năng suất cao và có giá thì nông dân bớt khổ. Nhưng gần đây chúng tôi lâm vào điệp khúc được mùa mất giá, mất mùa thì không có thu nhập, giá lại tăng khiến nông dân thêm khó. Không có thu nhập nên kêu gọi làm các phong trào cũng khó. Như nhà văn hóa của thôn do không được đầu tư nên lụp xụp và có khi còn thua các công trình hạ tầng miền núi. Chúng tôi muốn cải tạo khang trang nhưng không biết lấy nguồn kinh phí ở đâu. Cấy xong, thanh niên kéo hết ra đô thị làm việc, trong thôn phần lớn là người gia và trẻ nhỏ. Nguồn thu để trang trải cuộc sống, đóng tiền học cho con, tham gia việc làng, sửa nhà phần lớn là từ một số nghề phụ như gia công hàng mã, hàng nhựa và chủ yếu từ lao động KCN và thành phố gửi về”.
Chỉ vào những đám ruộng ngả vàng, ông Bằng cho biết: Do chuột phá, chúng nhấm chân cây lúa nên cây không đủ chất cứ úa vàng. Thôn có lập đội đánh bắt chuột thu mua 2.000 đồng/đuôi chuột nhưng xem ra không diệt hết chuột. Năng suất lúa bị ảnh hưởng nhiều từ nạn chuột phá.
Ngôi nhà của ông Vương Hữu Út, xóm Đồng Cỏ, xã Việt Đoàn, mới xây xong phần thô vẫn để đó mặc nước mưa ngấm ẩm ướt. Ông Út chia sẻ: “Nhà tôi chỉ làm được đến đó thì hết tiền nên vẫn để vậy. Làm nông năm nay khó do chuột phá nhiều, dặm đi dặm lại vẫn không được, trong khi chi phí không ngừng tăng, nên tâm lý không muốn cấy. Nhà tôi có làm gia công thêm hàng mã cho làng Đồng Hồ, tuy nhiên, lô hàng họ giao đã làm xong từ vài tháng nay, nhưng không thấy chủ hàng đến nhận. Sang tận nơi hỏi thì được biết chủ hàng năm nay cũng có nhiều khó khăn, tiêu thụ chậm nên chưa có tiền trả hàng. Ngoài làm nông chúng tôi mong có nghề phụ để tăng thu nhập. Chỉ trông chờ vào cây lúa sẽ khó ổn định cuộc sống”.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Bài 2: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ