Tìm ra mô hình xử lý rác nông thôn phù hợp tại Hải Phòng

Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ phù hợp với khu vực thành thị, mà đã chứng minh hiệu quả tại xã Tú Sơn, Kiến Thụy, TP Hải Phòng.

Loay hoay xử lý rác nông thôn

Trên địa bàn 7 huyện của TP Hải Phòng có 101 xã có bãi rác, với tổng số 156 bãi rác tạm. Việc xử lý các bãi rác tạm ở các xã còn nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến môi trường.

Bãi rác tạm ở xã Tú Sơn từng bị TP Hải Phòng yêu cầu đóng cửa.

Do kinh phí duy trì cho hoạt động xử lý rác thải nông thôn còn hạn chế, nên các xã luôn gặp áp lực khi vừa phải bảo đảm thu gom, vận chuyển, vừa phải xử lý rác ở các bãi rác tạm trên địa bàn. Mặt khác, việc một xã có nhiều bãi rác tạm dễ gây ô nhiễm môi trường do hạn chế trong khâu xử lý rác.

Một giải pháp trong xử lý rác thải nông thôn đang được triển khai thí điểm là 5 lò đốt rác được đầu tư và đưa vào sử dụng tại xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), thị trấn Vĩnh Bảo, xã Quốc Tuấn (huyện An Lão), xã Phục Lễ, Minh Tân (huyện Thủy Nguyên).

Tuy nhiên, các địa phương và doanh nghiệp vận hành lò đốt chưa thống nhất giá cả, chi phí xử lý rác thải bằng lò đốt, nên công tác quản lý, vận hành, cân đối kinh phí vận hành hoạt động lò đốt hiệu quả thấp. Năng lực của một số đơn vị quản lý hạn chế, không phát huy hết công suất của lò đốt theo thiết kế.

Mô hình phân loại rác tại nguồn nhiều điểm ưu việt

Trong bối cảnh khó khăn trên, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) là một mô hình mới, nhiều ưu việt.

Tại xã Tú Sơn, mỗi ngày, các hộ dân thải ra từ 3,5 - 4 tấn rác. Lượng rác thải này đang được thu gom, chôn lấp trên 2 bãi rác tạm của địa phương với tổng diện tích hơn 5.000 m². Tuy nhiên, cả 2 bãi rác đều đã đầy, gây ô nhiễm môi trường.

Cán bộ Cục Hạ tầng Kỹ thuật tư vấn, giải thích cho bà con xã Tú Sơn về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn.

TP Hải Phòng đã từng yêu cầu đóng cửa 2 bãi rác này, nhưng do huyện Kiến Thụy chưa quy hoạch, bố trí được bãi rác mới, nên cả 2 bãi rác vẫn hoạt động.

Dự án Xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt tại xã Tú Sơn có công suất 5 - 10 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 5,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng hỗ trợ 36%, UBND TP Hải Phòng và UBND huyện Kiến Thụy hỗ trợ 45%, còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư - HTX Môi trường và Dịch vụ thương mại Thành Vinh (HTX Thành Vinh).

Nhận định về sự hiệu quả của mô hình này, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng: Việc phân loại rác tại nguồn sẽ giảm khối lượng chất thải rắn phải đem xử lý, giúp cho quá trình xử lý chất thải rắn hiệu quả hơn.

Ông Tuấn nhận định, mô hình phân loại rác tại nguồn ở Tú Sơn sẽ thành công bởi điểm khác biệt với các mô hình trước kia. Mô hình của dự án thống nhất một đơn vị thực hiện từ thu gom, vận chuyện đến xử lý, do vậy sẽ không có chuyện rác được phân loại đầu nguồn nhưng khi thu gom, vận chuyển lại bị trộn chung, làm giảm hiệu quả của hệ thống xử lý rác thải.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, điều quan trọng nhất để dự án thành công là tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân có ý thức trong phân loại rác đầu nguồn.

Từ ngày dự án được triển khai, cảnh quan, đường làng ngõ xóm địa bàn HTX quản lý sạch đẹp hơn nhiều so với trước, không còn tình trạng tồn đọng rác thải qua đêm tại khu dân cư. HTX đã giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho hàng trăm lao động địa phương.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Thành Vinh, bà Đoàn Thị Mơ cho biết: Mục tiêu của dự án là phân loại, thu gom, vận chuyển CTR đầu nguồn triệt để; quản lý CTR theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) và xử lý tổng hợp CTR.

Đại diện xã Tú Sơn cho biết: Dự án thành công sẽ giúp xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia Nông thôn mới. Dự án đồng thời là điều kiện, cơ hội tốt cho địa phương giải quyết những tồn tại, bức xúc về công tác môi trường, là tiền đề để nhân rộng, triển khai, hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương khác trên địa bàn thành phố.

Bộ Xây dựng cho biết: Dự án trang bị 3 thùng phân loại rác đến tận các hộ dân, các cơ quan, đơn vị. Trong đó, 1 thùng chứa CTR có thể tái chế, tái sử dụng, 1 thùng chứa CTR hữu cơ và 1 thùng chứa CTR vô cơ.

CTR hữu cơ sẽ được thu gom hàng ngày, trong khi các chất thải còn lại sẽ thu gom 2 - 3 lần/tuần. Rác sẽ được thu gom về điểm trung chuyển bằng xe thu gom. Từ điểm trung chuyển, rác được vận chuyển đến khu xử lý bằng xe cơ giới.

Tại khu xử lý, rác hữu cơ được xử lý thành phân compost, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, không phát sinh nước thải. Rác thải vô cơ được chôn lấp hoặc thiêu đốt hợp vệ sinh, cũng không phát sinh nước rỉ rác. Nước thải sinh hoạt, nước thải khi thau rửa dụng cụ xe… sẽ được đưa vào hố xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật.


Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Phân loại rác tại nguồn 'vỡ trận', 'tài nguyên' rác bị bỏ rơi
Phân loại rác tại nguồn 'vỡ trận', 'tài nguyên' rác bị bỏ rơi

Hơn 10 năm trước, câu chuyện phân loại rác tại nguồn đã được nói đến, một số địa phương đã thực hiện việc phân loại này nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn thải nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai trên diện rộng, thậm chí nhiều địa phương đã quay trở lại con số 0.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN