Thủ tướng: Ứng trực 24/24 giờ phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt dịp Tết
Ngày 27/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị mở cửa trường học trở lại và đón khách du lịch, phục hồi kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Trong đó số người nhiễm dịch có chiều hướng ổn định, đặc biệt số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong giảm rất sâu; hoạt động kinh tế, xã hội từng bước trở lại; tạo nền tảng thúc đẩy thực hiện "đa mục tiêu" trong năm 2022; người dân và bạn bè quốc tế, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ chương trình phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Đạt được kết quả như trên là nhờ có sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, cụ thể là Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, qua 2 năm phòng, chống dịch, chúng ta đã hình thành được lý luận về phòng chống dịch với 3 trụ cột chính và công thức "5K + vaccine, thuốc điều trị + ý thức người dân và các biện pháp khác". Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện chiến lược vaccine có hiệu quả. Nhờ đó chúng ta có tự tin để phòng chống dịch.
Thủ tướng nhận định, tình hình dịch còn diễn biến vẫn còn phức tạp, nhất là với chủng Omicron và có thể xuất hiện chủng mới. Do đó không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không được say sưa với kết quả đạt được vừa qua mà luôn chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp diễn biến mới; có phương án đối phó kịp thời, khoa học, hợp lý, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng các phương án, các biện pháp chủ động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình.
Theo đó, Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ ban hành văn bản pháp luật về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022-2023. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các nguyên tắc, nguyên lý phòng, chống dịch phù hợp với tình hình.
Đặc biệt, Bộ phối hợp với các địa phương thần tốc, thần tốc hơn nữa, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân 2022. Nếu thiếu vaccine thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu có vaccine mà các địa phương triển khai chậm thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Thúc đẩy sản xuất, công nhận vaccine, thuốc sản xuất trong nước, đảm bảo khoa học cũng như thủ tục pháp lý; đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục xây dựng, công bố các quy trình, biện pháp, điều kiện; diễn tập phòng, chống dịch trong điều kiện mới để mở cửa trường học đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; giảm tối đa sự lo lắng của phụ huynh, học sinh; theo nguyên tắc mở cửa nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình mở cửa du lịch đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; trên nguyên tắc đảm bảo liên thông, tổng thể, thống nhất giữa các loại hình và từ Trung ương tới địa phương; chậm nhất là dịp 30/4 - 1/5 mở cửa du lịch trở lại. Các bộ: Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải phối hợp để tổ chức hoạt động xuất, nhập cảnh an toàn, thuận tiện.
"Việc mở cửa trường học, đón khách du lịch trở lại phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng yêu cầu.
Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau; mọi người dân đều được vui Tết an toàn, nghĩa tình, tri ân và vui vẻ, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đảm bảo công tác an sinh, xã hội, để mọi người dân đều được ăn Tết.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương để người dân được di chuyển về quê ăn Tết và quay trở lại làm việc sau Tết an toàn, thuận tiện, trật tự. Theo dõi, nắm chắc tình hình nhân dân, tiếp thu ý kiến, tâm thư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời có giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, an dân.
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới đánh giá cấp độ dịch COVID-19
Ngày 27/1, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 218/ BYT-QĐ Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Theo đó, với tiêu chí 1 bao gồm tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian, thay thế cho tiêu chí cũ chỉ có tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian.
Tiêu chí 2 về độ bao phủ vaccine và tiêu chí 3 về đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến vẫn giữ nguyên.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.
Trên cơ sở tham khảo các phương pháp đánh giá của các nước trên thế giới và đánh giá thực tiễn của Việt Nam, Bộ Y tế hướng dẫn cách xác định các tiêu chí cụ thể như sau:
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Tỷ lệ ca mắc mới được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người. Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy được phân theo 04 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40).
Tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy do Trung tâm Y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã.
Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã. Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.
Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chuẩn bị xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
Việt Nam có 15.727 ca nhiễm mới SARS-CoV-2
Tính từ 16 giờ ngày 26/1 đến 16 giờ ngày 27/1, Việt Nam ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, cả nước hiện có 4.485 ca nặng đang điều trị
Trong số các ca nhiễm mới, có 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca ghi nhận trong nước (giảm 213 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.627 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.437 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.203.208 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.320 ca nhiễm).
Từ 17 giờ 30 ngày 26/1 đến 17 giờ 30 ngày 27/1, cả nước ghi nhận 126 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 146 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.291 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tỉnh Bạc Liêu là vùng xanh từ ngày 28/1
Ngày 27/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã có quyết định số 37/QĐ-UBND về việc cập nhật, công bố cấp độ dịch COVID-19 theo địa bàn và áp dụng Quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, từ ngày 28/1, tỉnh Bạc Liêu sẽ ở cấp độ 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh) thay vì cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) trước đó. Tất cả 7/7 huyện, thị xã, thành phố và 64/64 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều ở cấp độ 1.
Bạc Liêu cũng quy định biện pháp hành chính áp dụng đối với các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn có dịch cấp độ 1. Theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, công trình xây dựng, vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hóa… được hoạt động bình thường, tuân thủ 5K. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự hoạt động không quá 50 người trong cùng một thời điểm; có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch. Các hoạt động tại những nơi sau tiếp tục bị dừng gồm: vũ trường, quán bar, massage; các hoạt động còn lại được hoạt động nhưng tập trung không quá 10 người trong cùng 1 phòng.
Hiện, toàn địa bàn tỉnh không còn các chốt chặn kiểm soát dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Các địa phương nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND cấp huyện khẩn trương chỉ đạo các lực lượng sắp xếp lại cơ sở vật chất các trường học được trưng dụng phục vụ công tác thu dung, cách ly F0, F1, sớm bàn giao lại cho ngành giáo dục để tổ chức cho học sinh, sinh viên trở lại học trực tiếp tại trường theo kế hoạch của ngành giáo dục...