Tổng điều tra kinh tế 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 4 loại đơn vị điều tra, bao gồm: DN; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể, có gần 6 triệu đơn vị, tăng 8% (tăng 444,7 nghìn đơn vị) so với năm 2016. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, số lượng đơn vị tăng 1,9%/năm, cao hơn mức tăng 1,5%/năm của giai đoạn 2011-2016 và thấp hơn mức tăng 4,9%/năm của giai đoạn 2006-2011.
Số lượng lao động trong các đơn vị điều tra năm 2020 là gần 26 triệu người, tăng 3% (tăng 752,8 nghìn người) so với năm 2016. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, số lượng lao động tăng 0,7%/năm, thấp hơn mức tăng 3,6%/năm của giai đoạn 2011-2016 và mức tăng 7,7%/năm của giai đoạn 2006-2011.
Theo đó, số DN có mức tăng cao nhất trong các loại đơn vị điều tra cả về số lượng và lao động. Tính đến 31/12/2020, cả nước có 3,6 nghìn DN thực tế đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 35,3% (tăng 178,5 nghìn DN) so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm số DN tăng 7,9%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng 8,7% bình quân năm của giai đoạn 2011-2016. Trong năm 2020, các DN cũng đã thu hút trên 14,7 triệu lao động, tăng 4,7% so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, số lao động tăng 1,2%, thấp hơn mức tăng 5,1%/năm của giai đoạn 2011-2016.
Xu hướng giảm lao động cũng thấy rõ ở các loại hình đơn vị sản xuất kinh doanh khác. Cụ thể, hợp tác xã (HTX) có mức tăng cao về số lượng đơn vị, nhưng giảm mạnh về số lao động. Bình quân giai đoạn 2016-2020, mỗi năm số lượng HTX tăng 3,5%, cao hơn mức giảm bình quân 0,8% của giai đoạn 2011-2016; mỗi năm số lao động trong các HTX giảm 4,4%, trái ngược so với mức tăng bình quân 0,2%/năm của giai đoạn 2011-2016.
Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tăng cả về số đơn vị và số lao động, nhưng thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây. Trong năm 2020, mặc dù tỷ trọng số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể khá cao, chiếm tới 86,6% trong tổng số đơn vị điều tra, nhưng tổng số lao động của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chỉ chiếm khoảng 32,8% trong tổng số lao động của các đơn vị điều tra. Lý do, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thường có quy mô lao động rất nhỏ từ 1,5 đến 1,7 lao động/cơ sở...
Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, trong đó giảm mạnh ở khối DN. Lao động bình quân trong một đơn vị điều tra giảm nhẹ từ 4,5 người năm 2016 xuống 4,3 người năm 2020. Riêng khu vực DN giảm từ 27,2 người xuống 21,5 người (DN nhà nước tăng từ 476,8 người lên 506,4 người; DN ngoài nhà nước giảm từ 17,2 người xuống 13 người; DN FDI giảm mạnh từ 286 người xuống 229,4 người).
Xét theo khu vực kinh tế, lao động bình quân trên một đơn vị đều giảm ở tất cả các khu vực; khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ không biến động lớn, tuy nhiên khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh với mức 16% so với năm 2016.
Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến cơ cấu, tổ chức sử dụng nhân lực tại các doanh nghiệp. Nhiều lĩnh vực đã tái cơ cấu bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chống dịch, duy trì sản xuất.