Thực hiện nhanh chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022
Ngày 3/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dự họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quan tâm. Trong 5 ngày nghỉ Tết (từ 29/01 - 02/02/2022), trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc và 100 ca tử vong do COVID-19, thấp đáng kể so với tuần trước đó. Thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022, trong các ngày từ 29/1 đến 2/2, cả nước tiêm chủng được hơn 782.000 liều vaccine tại 30 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, cả nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân 2022 với kết quả tốt; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP và các Chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, với ca mắc mới, ca chuyển nặng và tử vong đều giảm.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành “vui Xuân mới, không quên nhiệm vụ mới”, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán và Quý 1/2022. Theo đó, tiếp tục phòng, chống thật tốt dịch COVID-19, trong đó có chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân năm 2022. Từ 7-14/2 tổ chức mở cửa trường học trở lại trên toàn quốc ở tất cả các cấp học đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý. Chuẩn bị thật tốt, phấn đầu hết tháng 3 và chậm nhất là 30/4 mở cửa du lịch trở lại an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý. Tiếp tục giữ vững an ninh, an toàn và an dân để phục vụ cho việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững.
Việt Nam có 8.601 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội ghi nhận 55 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 2/2 đến 16 giờ ngày 3/2, Việt Nam ghi nhận 8.601 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 25.094 ca khỏi bệnh.
Trong số các ca nhiễm mới, có 26 ca nhập cảnh và 8.575 ca ghi nhận trong nước (giảm 145 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố (có 5.002 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Quảng Nam (tăng 254 ca), Quảng Nam (tăng 135 ca), Lâm Đồng (tăng 115 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.085 ca/ngày.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.304.095 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.345 ca nhiễm).
Trong 3 ngày từ 17 giờ 30 ngày 31/1 đến 17 giờ 30 ngày 3/1 ghi nhận 286 ca tử vong tại: Hà Nội (55), Vĩnh Long (21), Bà Rịa - Vũng Tàu (18), Bắc Ninh (14), Bến Tre (14), Đồng Nai (13), Bình Định (12), TP Hồ Chí Minh (10), Bình Dương (9), Bình Phước (9), Khánh Hòa (9), Kiên Giang (7), Thừa Thiên Huế (7), Đồng Tháp (6), An Giang (5), Hậu Giang (5), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (4), Cần Thơ (4), Hải Phòng (4), Lâm Đồng (4), Nghệ An (4), Ninh Bình (4), Quảng Ngãi (4), Sóc Trăng (4), Tây Ninh (4), Tiền Giang (4), Cà Mau (3), Đà Nẵng (3), Gia Lai (3), Cao Bằng (2), Hải Dương (2), Hòa Bình (2), Lạng Sơn (2), Phú Yên (2), Thanh Hóa (2), Bắc Kạn (1), Đắk Nông (1), Hà Giang (1), Quảng Bình (1), Quảng Nam (1), Thái Nguyên (1), Yên Bái (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 110 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là .063 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Trên 67.000 người được điều trị khỏi bệnh về nhà ăn Tết
Ngày 3/2, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành trên toàn quốc cho thấy, ngày 3/2/2022 (tức ngày Mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022), tổng số có 36.109 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 16.981 bệnh nhân, giảm 56,2% so với cùng ngày Tết Tân Sửu 2021; 9.040 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú (chiếm 50%), giảm 62%.
Các bác sĩ đã thực hiện 1.1 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 263 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 1.307 trẻ chào đời. 2.471 bệnh nhân điều trị khỏi, được xuất viện về nhà ăn Tết.
Tính cả 4 ngày nghỉ Tết, 67.244 bệnh nhân đã điều trị khỏi, được về nhà ăn Tết, giảm 3,1% so với 4 ngày Tết Tân Sửu 2021.
Sau 4 ngày nghỉ Tết, đã có 17.345 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 15% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 12,9% trong tổng số ca khám, cấp cứu chung. Trong đó, 5.045 trường hợp phải nhập viện điều trị, chiếm 29,1% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 24,6% so với cùng kỳ. 159 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 19 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021.
Cả nước còn 3 tỉnh, thành phố chưa ấn định thời gian cho học sinh Tiểu học, mầm non đến trường
Ngày 3/2, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi có những chỉ đạo ráo riết về việc cho học sinh đến trường trở lại, đến thời điểm này, cả 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7/2 đến ngày 14/2.
Cùng với đó, 100% các trường Đại học, Cao đẳng đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2/2022.
Đối với bậc mầm non, Tiểu học, 60 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2. Ba địa phương còn lại là Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai đã lên kế hoạch đưa trẻ mầm non và học sinh Tiểu học quay lại trường học nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể.
Ngay sau Tết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý các địa phương cập nhật thông tin về tình hình dịch; diễn biến tâm lý của trẻ em, học sinh nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh, giúp các em có nhận thức, thái độ, hành vi, kỹ năng phòng, chống dịch để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, đảm bảo ổn định việc học tập và rèn luyện cho các em.
Trong dòng chia sẻ nhân dịp đầu Xuân mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ: "Với ngành Giáo dục, quãng thời gian đóng cửa trường học dài "đằng đẵng" vừa qua như một mùa đông u ám. Xuân đã sang, có một thứ cần khai mở, dứt khoát cần khai mở, đó là cổng trường học, để thầy cô đón học sinh tới trường học trực tiếp. Tất cả mọi người cùng chung tay cho một sự khai mở vô cùng cần thiết này của Xuân mới".
Bình Định chuyển cấp độ dịch từ vùng vàng sang vùng xanh
Mặc dù đón hàng chục ngàn đồng bào từ các nơi có dịch về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Bình Định vẫn chuyển từ vùng có nguy trung bình (vùng vàng) thành vùng có nguy cơ thấp (vùng xanh).
UBND tỉnh Bình Định vừa có Quyết định số 1/QĐ-UBND về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 cập nhật đến ngày 30/1. Theo đó, toàn tỉnh Bình Định đã chuyển từ vùng vàng sang vùng xanh - cấp 1.
Tính theo xã, phường, thị trấn, trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định có 62 xã, phường, thị trấn có nguy cơ thấp (vùng xanh), giảm 37 địa phương so với tuần trước đó; 82 xã, phường, thị trấn có nguy cơ trung bình (vùng vàng), tăng 44 địa phương; 16 xã, phường có nguy cơ cao (vùng cam), giảm 7 địa phương và không có địa phương nào ở nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
Đối với cấp huyện, Bình Định có 4 huyện thuộc vùng nguy cơ thấp (vùng xanh) là Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh (giảm 2 huyện so với tuần trước đó); 7 địa phương cấp huyện thuộc vùng nguy cơ trung bình (vùng vàng) gồm: Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh (tăng 3 địa phương so với tuần trước đó).
Toàn tỉnh Bình Định không còn địa phương cấp huyện nào thuộc vùng có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ). Như vậy, sau nhiều tháng là tỉnh có nguy cơ cao và rất cao, tỉnh Bình Định đã chuyển sang vùng có nguy cơ thấp.
Trước đó, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn biến khá phức tạp, hằng ngày đều phát hiện hơn 200 ca mắc mới. Tuy vậy, tỉnh Bình Định vẫn đón đồng bào xa quê về ăn Tết và khách du lịch đến Bình Định vào dịp Tết Nhâm Dần 2022. Người về, đến Bình Định chỉ khai báo y tế cho Trạm y tế địa phương và thực hiện biện pháp phòng, chống 5K để phòng tránh dịch. Trong trường hợp tự xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, người bệnh sẽ được hướng dẫn tự cách ly, điều trị tại nhà.