“Khác với việc xác định chuẩn nghèo chỉ dựa theo thu nhập, từ năm 2015, TP Hồ Chí Minh sẽ thử nghiệm nhân rộng phương pháp giảm nghèo đa chiều tại 4 quận huyện dựa '5 chiều' như: y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội.”
Thông tin trên đây được ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP đưa ra tại hội thảo “Nghiên cứu tiếp cận và thử nghiệm phương pháp đo lường nghèo đa chiều tại TP” vào ngày 16/12.
Ông Nguyễn Văn Xê cho biết: TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình Ban Chỉ đạo giảm nghèo và tăng hộ khá, Chương trình đã triển khai thực hiện được hơn 22 năm và luôn hoàn thành mục tiêu trước từ 1 - 2 năm theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc tiếp cận xác định hộ nghèo theo thu nhập chưa đo lường được các chiều nghèo khác nên đã có tình trạng nhận diện nghèo và phân loại đối tượng chưa chính xác, chính sách hỗ trợ còn cào bằng và chưa đúng nhu cầu. Đồng thời, các chương trình và hoạt động hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn thành phố bị chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ, có khi lại phân tán và manh mún, làm cho hiệu quả giảm nghèo chưa cao, chưa toàn diện và bền vững.
“Vì vậy, sắp tới trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, TP sẽ mạnh dạn chuyển đổi dần sang phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều dựa trên các cơ chế đặc thù của TP, từ các nguồn lực và kinh nghiệm thực hiện giảm nghèo trong hơn 22 năm qua. Theo đó, chỉ số nghèo mới mà TP sẽ thí điểm thực hiện gồm 5 chiều: Giáo dục và đào tạo, Y tế, Điều kiện sống, Tiếp cận thông tin, Bảo hiểm và trợ giúp xã hội và 11 chỉ số. Các phương án đo lường nghèo gồm phương án 1: hộ nghèo đa chiều là hộ có tổng điểm thiếu hụt từ 35 trở lên và phương án 2: Hộ nghèo đa chiều là hộ có tổng điểm thiếu hụt từ 40 trở lên. ”- Ông Xê cho biết thêm.
Việc áp dụng phương pháp do lường nghèo đa chiều sẽ giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. (Trong ảnh: Gia đình chị Lệ Nguyên vươn lên thoát nghèo tại quận 5). |
Trong khi đó, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo cũng cho rằng: Chương trình giảm nghèo tăng hộ khá thành phố trong thời gian qua được thực hiện tốt với nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo cho người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả này chưa thật sự bền vững, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao. Qua việc thí điểm xây dựng công cụ đo lường, rà soát hộ nghèo, lập chính sách theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều tại 4 quận huyện vừa qua sẽ giúp Thành phố rút kinh nghiệm đề xuất lộ trình nhân rộng toàn thành phố trong giai đoạn 2016-2020.”
Phát biểu tại hội thảo, GS.John Hammock, Nhà đồng sáng lập tổ chức Sáng kiến phát triển con người và nghèo đói Oxford cho biết ở châu Âu, 20% dân số nghèo về thu nhập, 20% nghèo về thiếu hụt vật chất; tuy nhiên chỉ có 10% dân số vừa nghèo thu nhập và vừa thiếu hụt vật chất. Ông Hammock đã kiến nghị châu Âu chuyển sang phương pháp đo lường nghèo đa chiều đến năm 2020.
“ Việc áp dụng chỉ số nghèo đa chiều có thể phân chia theo vùng, dân tộc ,nông thôn/thành thị; tập trung vào nhiều thiếu hụt; vươn đến những người nghèo nhất trong số những người nghèo; có thể chọn các chỉ số/ngưỡng nghèo/giá trị”- Ông GS.John Hammock nói.
Ngoài ra, hiện chỉ số nghèo đa chiều đang được áp dụng tại các quốc gia Colombia, Mexico, Bhutan,Philippines.Các nước khác đang xây dựng chỉ số nghèo đa chiều:TQ, Tunisia, Indonesia, Chile, Costa Rica, Việt Nam, Eastern Caribbean….
Hoàng Tuyết