Dân ở đâu, cán bộ phục vụ ở đó
Hiện nay, nhiều đơn vị cấp cơ sở là phường - xã - thị trấn tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp, mô hình cải cách hành chính cụ thể để tạo thêm thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, một số nơi còn xây dựng, thực hiện các giải pháp khác hướng đến mục tiêu: Người dân ở đâu, lúc nào cũng có thể nộp hồ sơ, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ.
Hơn 18 giờ chiều mà UBND phường 6, quận 4 vẫn còn sáng đèn ở phòng công chứng, sao y giấy tờ. Mặc dù phường có dán thông báo chỉ phục vụ đến 18 giờ nhưng để người dân không mất công đi lại, cán bộ hành chính của phường vẫn tiếp nhận xử lý hồ sơ của người dân đến gần 19 giờ hàng ngày. Nhờ mô hình tăng ca, làm thêm giờ của cán bộ mà đã giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh bất ngờ của người dân trong khai sinh, khai tử…
Chị Lê Thị Mai, ngụ ở phường 6, quận 4 cho biết ban ngày chị phải đi làm, không thể xin nghỉ trong giờ hành chính nên chị phải tranh thủ sau giờ đi làm về và ghé UBND phường vào lúc chiều tối để chứng các giấy tờ liên quan đến nhà đất. Dù đã hơn 18 giờ nhưng chị Mai không ngờ cán bộ phường 6 còn làm thêm giờ để giúp người dân hoàn thành các giấy tờ hành chính khi cần. “Chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút, các giấy tờ thủ tục về sao y, chứng thực, chữ ký… đã được các cán bộ hành chính phường làm xong và các chi phí chứng giấy tờ ngoài giờ hành chính cũng không tăng giá so với giá trong giờ hành chính”, chị Mai cho biết.
Để tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, cán bộ phường 16, quận 11 còn mang giấy tờ hành chính giao tới tận tay cho các hộ dân. Anh Nguyễn Văn Thành, ngụ ở phường 16 (quận 11) cho biết, cách đây 7 năm anh phải đến UBND phường làm thủ tục đăng kí giấy khai sinh cho con sau đó chờ đến ngày hẹn và quay lại phường nhận giấy khai sinh. Năm nay, anh Thành chỉ phải lên phường một lần, vài ngày sau đã được cán bộ địa phương giao giấy khai sinh kèm thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu đã được thêm tên của cháu tận nhà mà không cần phải ra cơ quan công an làm thủ tục nhập hộ khẩu. Việc kết hợp các thủ tục hành chính và giao giấy tờ tận nhà cho người dân đã khiến anh Thành rất hài lòng và vui trước cách phục vụ của cán bộ công chức phường hiện nay.
Mô hình cán bộ hành chính tình nguyện làm thêm ngoài giờ hành chính được chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi triển khai tại TP Hồ Chí Minh như: phường Bến Thành (quận 1), phường Linh Xuân, Linh Trung (quận Thủ Đức), phường 15 (quận Bình Thạnh), phường 2 (quận 4)…
Theo bà Lê Thị Nghĩa, Chủ tịch UBND phường 2 (quận 4), ngày càng nhiều người dân đến làm thủ tục ngoài giờ hành chính bởi người dân đã quen với việc làm thêm giờ của cán bộ phường. “Thời gian làm ngoài giờ, các cán bộ chủ yếu giải quyết các hồ sơ chứng thực, khai sinh, khai tử nên thời gian trả hồ sơ rất nhanh và người dân cũng rất hài lòng. Điều này giúp người dân cảm thấy cán bộ thân thiện, tận tình hơn. Đây là mục tiêu chính trong cải cách hành chính, tăng độ hài lòng của người dân mà thành phố đang triển khai”, bà Nghĩa cho biết thêm.
Có thể thấy, việc làm thêm giờ đối với cán bộ trẻ cũng giúp họ tăng thêm kinh nghiệm và có thêm nhiều niềm vui trong công việc. Bạn Nguyễn Thị Thủy, cán bộ viên chức tại quận Thủ Đức cho biết, ngoài thời gian làm thêm giờ theo ca quy định của nhà nước, chị Thủy và một số công chức khác còn tình nguyện làm ngoài giờ để chứng giấy cho người dân, thậm chí còn đến tận nhà dân trao trả giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ khẩu hoặc giải đáp các thắc mắc liên quan đến các thủ tục hành chính cho người dân. Khi thấy người dân hài lòng thì các bạn cán bộ hành chính trẻ như Thủy cũng thấy đó làm niềm vui và động lực để phấn đấu trong công việc.
Tăng sự hài lòng của người dân
Là quận tiên phong trong mô hình tăng ca ngoài giờ hành chính để giải quyết các thủ tục hành chính ngoài giờ cho người dân, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường 15 (quận Bình Thạnh), cho biết hiện phường có hơn 10 giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Theo đó, từ 17 - 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, cán bộ, công chức phường chia ca làm ngoài giờ hành chính phục vụ người dân. Mỗi một ca làm việc đều có lãnh đạo phường cùng công chức chuyên môn tham gia làm việc phục vụ người dân. Mô hình này nhằm phát huy tinh thần tình nguyện của công chức trẻ, hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân và đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của thành phố.
“Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trong cải cách hành chính mà phường đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký sửa chữa nhà từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Sắp tới, phường cũng đang có kế hoạch giảm thời gian xác nhận tình trạng hôn nhân từ 3 ngày xuống 1 ngày để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi làm các thủ tục hành chính…”, bà Ngọc cho biết thêm.
Theo ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hồ Chí Minh, qua giám sát chương trình cải cách hành chính của thành phố được triển khai đồng bộ kịp thời, đạt được những kết quả khả quan. Các mô hình hay được quận huyện triển khai hiệu quả và đang dược nhân rộng toàn thành phố như: Tăng giờ làm, trao trả giấy tờ hành chính tận nhà, thực hiện một cửa khi đăng kí thành lập doanh nghiệp, kinh doanh, kê khai thuế, nhà đất… Theo đó, các thủ tục hành chính được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt mức trên 80%, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn đạt trên 90%.
Tuy nhiên, ông Danh cho rằng, công tác cải cách hành chính của thành phố có nhiều kết quả tích cực, nhưng qua giám sát, khi triển khai công tác cải cách hành chính vẫn còn một số cán bộ “vô cảm với dân”, người dân đến hỏi về thủ tục hành chính thì cán bộ lại “mặt lạnh như tiền”. Khi không trả kết quả cho dân đúng hẹn, thì thiếu sự xin lỗi người dân, hoặc xin lỗi cho có nhưng không rõ ngày tháng nào giải quyết.
Để khắc phục các mặt hạn chế, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng cải cách hành chính chính là nâng cao sự hài lòng của người dân, vì sự tăng trưởng về kinh tế, thu nhập tăng cao thì nhu cầu của người dân tăng cao, nên cần đẩy nhanh cải cách hành chính để phục vụ người dân tốt hơn.
Sắp tới, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, các đơn vị, sở ngành quan tâm đến cải cách thể chế hành chính, cải cách thủ tục, cải cách bộ máy nhà nước, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Tập trung chú trọng đến vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, cải thiện thái độ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tăng cường giám sát tinh thần thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và triển khai thực hiện đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…