Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen và các hành vi trái pháp luật liên quan đến các hoạt động này đang diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Hiện nay, công an TP Hồ Chí Minh đã lên danh sách 600 người hoạt động cho vay lãi nặng và đang thu thập tài liệu để xử lý. Sắp tới, các đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra các công ty đòi nợ, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay nặng lãi nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội và hậu quả biến tướng từ hoạt động cho vay nặng lãi.
Theo ông Thắng, các tổ chức đòi nợ thuê, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay nặng lãi thông thường hoạt động bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp, vay tiêu dùng, vay trả góp và các tổ chức này chỉ cần giữ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người vay mà không có bất cứ giấy tờ, hồ sơ nào khác. Khi bị phát hiện, hoặc có sự cố xảy ra cho người vay, công an thường khó thu thập chứng cứ, lập hồ sơ các đối tượng cho vay nặng lãi.
Trong thời gian vay nợ, nếu người dân không có khả năng trả nợ, các băng nhóm đòi nợ thuê sẽ nhắn tin đe dọa, đến nhà bắt giữ người, gây thương tích, tạt sơn, mắm tôm vào nhà con nợ… để uy hiếp tinh thần các con nợ và người thân. Mức lãi suất các đối tượng đòi nợ thuê, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay nặng lãi khá cao khoảng 20%/tháng.
Đơn cử như ngày 12/10, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, giáo viên một trường tiểu học ở TP Hồ Chí Minh đã bị một nhóm người lạ mặt kéo đến, yêu cầu gia đình trả nợ. Nhóm người này “khủng bố” gia đình nữ giáo viên bằng cách ném đá, tạt sơn, mắm tôm vào nhà. Không dừng lại ở đó, nhóm đòi nợ còn ngang nhiên khóa cửa, nhốt chị Hiếu cùng nhiều thành viên trong nhà. Mặc dù, gia đình chị Hiếu có trình báo sự việc cho công an nhưng sự việc vẫn không có điểm dừng. Cuối cùng, cô giáo Hiếu phải viết thư xin cho mình yên ổn để mưu sinh. Sau đó, khi bức thư được dân mạng lan truyền trên mang và chính quyền đã tới sơn lại nhà cho cô giáo này.
Liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê, trong tháng 9, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Bởi theo quan điểm của TP Hồ Chí Minh, dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, có liên quan nhiều đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen.
Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 28 công ty, đơn vị kinh doanh dich vụ đòi nợ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và 21 doanh nghiệp chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.