Đầu tư mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin
Từ năm 2016 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy đề án chính quyền điện tử, kiến trúc đô thị thông minh. Theo đó, Thành phố đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Thành phố (LGSP), xây dựng kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (giai đoạn 1), Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội, hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai, thông tin doanh nghiệp Nhà nước…
Những chương trình này đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả cao, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND Thành phố, giúp các sở, ban, ngành chủ động tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời, hiệu quả. Người dân và doanh nghiệp cũng tra cứu thông tin dễ dàng, thuận tiện hơn cho công việc. Đơn cử là hệ thống thông tin thoát nước, thông tin nền địa lý tỷ lệ 1/2000, 1/500, hệ thống nhận dạng đối tượng và phương tiện nghi vấn phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, thông tin quy hoạch, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hoạt động khám chữa bệnh…
Không chỉ vậy, Thành phố ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tổ chức mô hình “Phòng họp không giấy”, ứng dụng “nhắc việc thông minh”, tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến… khi dịch COVID-19 xuất hiện. Từ đó giảm tối đa việc sử dụng giấy trong các phiên hợp, quản lý tài liệu, văn bản, đảm bảo tiến độ giải quyết công việc mà vẫn chủ động phòng tránh dịch COVID-19, đồng thời giúp lãnh đạo UBND Thành phố giao việc, kiểm tra công việc, nhắc việc trước khi đến hạn. Bên cạnh đó, Thành phố đã cung cấp hơn 24.600 hộp thư điện tử cho các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức các sở ngành, quận huyện, phường xã thị trấn, tổng công ty Nhà nước. Tính từ năm 2016 đến nay, hơn 5,6 triệu văn bản điện tử đã được gửi và nhận qua trục liên thông văn bản điện tử Thành phố. Chưa kể việc Thành phố đã thiết lập hệ thống đường dây nóng phản ánh kiến nghị sự cố hạ tầng kỹ thuật qua tổng đài 102, tổng đài 113, 114, 115…
Thành phố đang tiếp tục triển khai đề án đô thị thông minh với hàng loạt dự án, hạng mục quan trọng nhằm chuyển đổi dần cấu trúc chính quyền điện tử sang chính quyền số; đẩy mạnh việc triển khai các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính đối với những lĩnh vực cấp thiết liên quan đến người dân, doanh nghiệp như đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp.
Tinh giản bộ máy hành chính
Không chỉ đầu tư xây dựng và ứng dụng mạnh mẽ hạ tầng mạng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính mà lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh còn quyết liệt tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương. Đơn cử, đến nay, Thành phố đã giảm 3 chi cục (Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm), giảm 7 phòng chuyên môn, giảm 4 cơ quan (Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Nông nghiệp và nông thôn, giải thể Ban Phòng, chống AIDS, chuyển Văn phòng Tiếp dân Thành phố về Ban Tiếp công dân Thành phố), giảm thanh tra xây dựng quận huyện… nhằm khắc khục bất cập, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành. Thành phố đã sắp xếp lại hàng loạt Ban Quản lý dự án của thành phố, quận huyện; Ban Quản lý các Khu đô thị, Ban Quản lý đầu tư các dự án ODA…
Theo ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo các quy định của Trung ương đã được Thành phố tuân thủ, có kế hoạch và đạt kết quả tích cực, chủ động trong sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm mức độ chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị. Về tinh giản biên chế, năm 2020, thành phố giao biên chế là 10.405 người, giảm 1.928 người biên chế so với năm 2015.
Từ năm 2016, Thành phố đã áp dụng mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận, huyện tại 16/24 quận, huyện; Bí thư đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường xã, thị trấn tại 166/322 phường, xã, thị trấn. Qua đó, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của chính quyền tại cơ sở; tạo sự thuận lợi trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường xã, thị trấn. Để tiếp tục tinh giản bộ máy hành chính, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Thành phố sẽ giảm 10% số lượng đơn vị sự nghiệp và 10% số lượng người làm việc, chuyển 10% các đơn vị sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên sang đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.
Đánh giá về việc tinh giản biên chế, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, giai đoạn 2009 - 2016, Thành phố đã có 7 năm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường và trở thành địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước. Qua thí điểm cho thấy, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước. Việc thí điểm không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thành phố.
Đáng chú ý, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương xây dựng đề án Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận Thủ Đức, Quận 9 và Quận 2. Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, việc sắp xếp này nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, qua đó góp phần phát huy hơn nữa nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển kinh tế - xã hội tại từng cấp huyện, cấp xã.
Đánh giá chung công tác cải cách hành chính của Thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hoạt động cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố diễn ra sâu rộng, lãnh đạo các đơn vị đã quan tâm hơn đến sáng kiến cải cách hành chính; đồng thời, đôn đốc các đơn vị chậm trả lời, không có thời hạn chuyển sang có thời hạn sau 15 ngày nhận hồ sơ phải thông tin tiến độ giải quyết. Thành phố đã thực hiện nhiều mô hình và giải pháp hay về cải cách hành chính như "Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến”. Ngoài ra, lần đầu tiên, Thành phố ban hành quy chế phối hợp, quy định thời gian và quy trình cụ thể về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các quận, huyện, sở ngành; thực hiện chi thu nhập tăng thêm gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc.
Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính với tinh thần tăng tốc, thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện các chỉ số cải cách hành chính nhằm nâng sức cạnh tranh của thành phố, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc.
Với việc thực hiện hàng loạt các giải pháp, từ đơn giản thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trách nhiệm, thái độ thực thi công vụ cho đến tinh giản bộ máy, nhân sự, nền hành chính công Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giai đoạn 2016 - 2020, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Thành phố vững tin bước vào nhiệm kỳ 2021 - 2025 với nhiều kế sách quan trọng, đảm bảo thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự và giữ vững vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.