Ngày 10/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh thảo luận tờ trình điều chỉnh một phần giá dịch vụ y tế để trình UBND thành phố. Theo tờ trình, dự kiến 1.996 dịch vụ khám chữa bệnh tăng giá. Hầu hết các đại biều tham dự HĐND đều thông qua tờ trình điều chỉnh một phần giá dịch vụ y tế để trình UBND thành phố.
Theo lộ trình tăng trong 3 năm tại 29 bệnh viện, 1 khu điều trị, 2 trung tâm, 1 phòng khám chuyên khoa cấp thành phố; 23 bệnh viện quận, huyện và 322 trạm y tế phường, xã, thị trấn. Cụ thể, từ ngày 1/6/2014 sẽ áp dụng viện phí mới (tăng) đối với các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh/ngày, các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm (477 dịch vụ) với mức bằng 75 % khung giá do Bộ Y tế quy định. Giá dịch vụ nhóm này tiếp tục tăng thêm với mức mức bằng 85% khung giá do Bộ Y tế quy định từ ngày 1/6/2015 và tăng mức bằng 100% khung giá do Bộ Y tế quy định từ ngày 1/6/2016. Còn đối với nhóm các phẫu thuật, thủ thuật từ ngày 1/6/2014 áp dụng mức giá bằng 65%, từ 1/6/2015 bằng 75% và từ 1/6/2016 bằng 100% khung giá quy định của Bộ Y tế.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng Ban Văn hóa – xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện thành phố có khoảng 56 bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám thuộc thành phố và 318 trạm y tế quận huyện.Song ngoài khám chữa bệnh cho người dân thành phố, các bệnh viện của thành phố phải khám và điều trị thêm 30 -50% bệnh nhân từ các tỉnh khác khu vực phía Nam. Nếu không tăng giá khám chữa bệnh thì các bệnh viện sẽ tiếp tục loay hoay với tình trạng quá tải bệnh viện.
Còn theo đại biểu Nguyễn Mạnh Chí, thành phố đã không tăng phí các dịch vụ trong lĩnh vực này suốt mười mấy năm qua (từ năm 1995 đến nay), mức phí này đã quá lạc hậu, không phù hợp và gây khó khăn cho việc hiện đại hóa công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Bởi vậy, chúng ta cần phải điều chỉnh lại giá viện phí cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, khi điều chỉnh chúng ta cần phải có giải pháp hỗ trợ cụ thể bởi việc tăng giá viện phí dù nhỏ cũng sẽ tác động và gây lo lắng cho người dân nhất là người lao động thu nhập thấp.
Ông Huỳnh Công Hùng cho rằng: Việc tăng giá các dịch vụ khám chữa bệnh sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp các bệnh viện có thêm nguồn thu mua sắm máy móc, mở rộng khu khám bệnh nhằm giảm tải bệnh viện. Với mức điều chỉnh giá các dịch vụ y tế thấp hơn nhiều so với giá đã thẩm định ở các bệnh viện của thành phố nên mức điều chỉnh khung giá viện phí theo hệ số trượt giá của Chính phủ quy định hàng năm sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân thành phố cũng như người dân tại các tỉnh phía Nam.
Để mức tăng viện phí mới không ảnh hưởng đến người dân nghèo, Ban Văn hóa – Xã hội chỉ rõ, đối với người thuộc diện nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/năm) sẽ được hỗ trợ 100% chi phí thẻ bảo hiểm y tế. Dự kiện, năm 2014 hỗ trợ 125 ngàn hộ với 500 ngàn nhân khẩu (mức hỗ trợ khoảng gần 300 tỷ). Trường hợp cận nghèo được hỗ trợ 70% chi phí thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ 15% chi phí chạy thận nhân tạo. Năm 2014 dự kiến có 50 ngàn hộ cận nghèo với 200 ngàn nhân khẩu được hỗ trợ tương đương 61 tỷ đồng.
Đan Phương