Hình ảnh quen thuộc những quán trà đá, quán cóc cổng trường đã trở thành điểm hẹn của "teen" sau mỗi giờ ra chơi và tan học. Ngoài thư giãn, giải trí hay chỉ để chuyện trò thì đây còn là nơi mà một số bạn trẻ thể hiện phong cách “ăn chơi” của mình. Nhóm bạn của Nguyễn Thị Hạnh, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thường là khách quen của quán trà đá cổng trường. Hạnh cho biết: Sau mỗi buổi ra chơi, cả nhóm thường rủ nhau ra cổng trường uống nhân trần, trà đá, ăn quà vặt để xả strees.
Góc quán nhỏ cạnh Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chỉ vẻn vẹn 5m2 nhưng lúc nào cũng đông kín người, nhất là sau mỗi giờ ra chơi tiết đầu, các nhóm sinh viên thường rủ nhau tụ tập, hút thuốc, ăn sáng tán chuyện. Để thu hút được nhiều khách, các chủ quán đã cho sinh viên “kí sổ” hoặc cầm đồ. Vậy nên khi không còn xu dính túi thì “teen” vẫn tự tin bước vào quán.
Những quán trà đá cổng trường đã trở thành điểm hẹn của các bạn học sinh, sinh viên sau mỗi giờ ra chơi và tan học. Ảnh: Internet. |
Nhiều khi mải tán chuyện mà quên cả giờ vào lớp nên cả nhóm xác định “bùng” tiết. Bạn Nguyễn Mạnh Quân, sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội ngụy biện, vì giờ giải lao cũng hiếm hoi, mỗi lần ra chơi chỉ được 5 - 10 phút nhiều lúc mải buôn chuyện mà quên cả giờ vào lớp, cả nhóm xác định thể nào cũng bị cô giáo phê bình ghi vào sổ đầu bài nên đành bỏ luôn để chờ tiết sau. “Cũng vì những lần la cà ngoài quán như vậy mà tôi đã phải thi lại một môn, vì hôm đó có bài kiểm tra, nhưng mãi uống nước và đành chấp nhận thi lại” – Một bạn sinh viên khác bộc bạch .
Còn Văn Duy sinh viên khoa Báo chí trường Đại học Xã hội Nhân Văn Hà Nội, từ lâu cũng nghiện nhân trần, trà đá cổng trường bởi đó là thức uống hữu hiệu trong những ngày hè nóng nực. Giá cả lại phải chăng, hợp với túi tiền sinh viên, chỉ cần bỏ ra 3 đến 4 nghìn đồng là có thể ngồi tán chuyện với bạn bè hàng giờ.
Duy cho biết: Ai cũng biết đến những thứ nước uống ở các quán cóc có giá rất mềm phù hợp với sinh viên, học sinh. Nhưng ít ai biết đến đằng sau những cốc trà đá, nhân trần đó là những công nghệ chế biến “siêu mất vệ sinh” của các chủ quán nhằm kiếm lời mà quên đi sức khỏe của khách.
Xách trên tay một xô nước vừa xin được ở một nhà gần đó, bà N. chủ quán trà đá bán gần trường Trung cấp Mầm Non (gần Ngã Tư Sở) tất tả chạy về quán, thấy ánh mắt băn khoăn dò xét của mọi người bà nhanh nhảu giải thích: Tôi xin nước về để rửa cốc, còn trà tôi đã hâm nóng trong bình kia rồi, “đảm bảo lắm”!
Nhiều quán vì đông khách, họ đã hâm trà từ trước rồi bỏ sẵn vào những chiếc ca cũ kĩ ngã màu trông không hợp vệ sinh rồi rót trà bán cho khách. Bà Nguyễn Thị H chủ quán trà đá kiêm ăn sáng cạnh cổng trường Đại Học Thể dục Thể thao Hà Nội thay vì cầm kẹp bà đã bốc bằng tay thức ăn rồi đưa cho khách. Những đống bát đũa của khách vừa ăn mì tôm xong bà chỉ tráng qua loa rồi lại hòa mì bán cho khách khác, để nhanh lẹ và bán được nhiều hàng.
Trần Mĩ Hạnh sinh viền trường Đại học Thể dục Thể thao đã bị một phen “tá hỏa” phải nghỉ học mấy ngày vì ăn bánh mì kẹp bate gần cổng trường bị đau bụng.
Những quán cóc cổng trường không chỉ là nơi để xả strees, mà còn để tụ tập những “dân chơi”, những bậc đàn được coi là có phong cách trong trường.
Dạo qua những quán cóc gần những cổng trường đại học, cao đẳng, THPT có thể bắt gặp không ít những cô cậu học sinh, sinh viên đầu xanh, đỏ đang ngồi vắt chân phì phèo điếu thuốc, uống nước với những lời nói tục tĩu chửi thề…
Thậm chí cũng chỉ bằng cái ‘nhìn đểu” hoặc một thái độ “mấp mô” nào đó là cũng đủ để bị những trận đòn nhừ tử. Từng là nạn nhân của một vụ nhìn đểu bạn Hào, học sinh lớp 11A4 THPT Ngọc Hồi, trong một lần ra chơi ngồi trà đá với bạn cổng trường đã bị mấy anh khối 12 đánh cho “nhừ đòn” mà không rõ lý do. Hào kể lại: Tôi chỉ nhìn thấy mấy anh nhuộm đầu xanh, đầu vàng rồi nói chuyện tục tĩu tôi quay sang nhìn thì bị các anh đánh và cho đó là kiểu nhìn đểu.
Những quán trà đá cổng trường còn là nơi đón các chủ lô đề kinh doanh, có những học sinh, sinh viên vì nghiện lô đề mà phải cắm cả thẻ sinh viên, chứng minh thư, thậm chí là xe máy và những gì giá trị có thể cắm được. Đã có nhiều sinh viên phải “bùng” bỏ học trốn nợ về quê.
Xuân Hòa là sinh viên của trường Cao đẳng Truyền hình (Thường Tín - Hà Nội) cho biết: Lúc đầu vì nghe bạn bè chỉ chơi lô đề chút ít, nhưng rồi thành nghiện và sau đó càng chơi càng mất nên phải cắm thẻ sinh viên để gỡ nhưng càng “ngập” sâu. Số nợ của Hòa lên đến tiền triệu, phải báo gia đình giải quyết. Không những thế, Hòa còn chứng kiến nhiều vụ nợ nần lớn hơn mình.
Trà đá vỉa hè từ lâu là thói quen ăn sâu vào sinh hoạt người dân Hà thành. Tuy nhiên, giờ đây, khi cuộc sống xô bồ náo nhiệt, sinh viên các tỉnh thành du nhập nhiều, các quán trà đá được mở tràn lan không kiểm soát đang làm mất đi sự thi vị, nhẹ nhàng mà thay vào đó là nơi tiếp tay cho tệ nạn xã hội, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và cảnh quan đô thị…
Trần Thu