Trông xe 'chặt chém' người đi lễ đầu năm

Sau Tết cũng là thời điểm các lễ hội lớn nhỏ diễn ra. Người đi lễ đền đình chùa rất đông. Do vậy, các dịch vụ như cho thuê ô tô đi lễ, trông giữ xe tại Hà Nội cũng vào mùa… “hốt bạc”.

Tha hồ hét giá


Là tháng sau Tết, nên số lượng người đi lễ đền chùa rất đông. Chị Dương Thị Phúc (Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên, vừa qua, hai vợ chồng chị đi tham quan cầu Nhật Tân rồi tranh thủ ghé qua lễ Phủ Tây Hồ. Khách lễ Phủ trong ngày 10 tháng Giêng vẫn đông. Các điểm trông xe tranh thủ tận dụng những bãi đất trống quanh Phủ để kinh doanh dịch vụ trông xe. Dù không được phường sở tại cấp phép trông giữ xe nhưng những điểm này vẫn vô tư thu của khách 10.000 đồng/lượt giữ xe.

“Mặc dù biết là thu quá giá quy định nhưng chúng tôi và đa phần người đi lễ đều tặc lưỡi cho qua. Giá đó là ‘hữu nghị’ lắm rồi. Chứ ô tô thì phải chịu giá đến 50.000 đồng/lượt”, chị Phúc cho biết.

Theo quan sát, quanh Phủ Tây Hồ có rất nhiều điểm trông giữ xe tự phát kéo dài suốt đường Quảng An. Với lượng người đi lễ “khủng” như tại Phủ Tây Hồ, số tiền mà các điểm trông giữ xe này thu được một ngày quả không nhỏ. Cũng đông đúc như phủ Tây Hồ, tại cổng chùa Phúc Khánh (gần Ngã Tư Sở) có gần chục bãi trông giữ xe do các hộ dân quanh khu vực tự mở ra. Người ra người vào gửi xe liên tục từ sáng sớm đến tối.

Những ngày đầu năm, người đi lễ Phủ Tây Hồ rất đông. Mọi người nên hỏi giá trước các dịch vụ để tránh bị “chặt chém”.


Khảo sát của phóng viên sáng 28/2, vừa đi xe máy đến gần chùa Phúc Khánh thì đã có 2, 3 người xuống tận lòng đường để mời chào vào gửi xe. Khi chúng tôi hỏi giá vé thì một người cho biết, giá chung ở đây là 20.000 đồng/xe. Tại cổng chùa Quán Sứ, một bãi gửi xe đối diện cổng chùa cũng mọc lên để trông giữ xe cho khách với giá 10.000 đồng/xe. Mức giá này cũng áp dụng tại các điểm tham quan nổi tiếng khác như Văn Miếu, quanh khu bờ Hồ…

Theo phản ánh của nhiều người dân, một số bãi trông giữ xe dùng “chiêu” không treo biển niêm yết mức giá. Nếu có người cẩn thận hỏi trước mức giá giữ xe thì nhân viên trong bãi mới thông báo. Còn nếu không hỏi trước giá, khi ra lấy xe, khách phải chịu mức giá mà người trông xe tùy tiện đưa ra. Bởi vậy đã xảy ra việc cãi cọ giữa khách và nhân viên do tranh cãi về mức giá.

“Loạn” giá cho thuê xe

Một dịch vụ khác cũng “ăn nên làm ra” mùa lễ hội này là dịch vụ cho thuê xe ô tô đi lễ chùa. Dịch vụ cho thuê xe ôtô đã sôi động từ trước Tết Nguyên đán và sẽ còn kéo dài đến hết tháng Giêng, tháng ăn chơi theo quan niệm của nhiều người. Do cầu vượt quá cung, giá thuê xe đã tăng 40 - 50% so với trong năm.

Anh Phạm Văn Câu, chủ cửa hàng cho thuê xe trên đường Trần Khát Chân cho biết, ngày thường giá thuê xe tự lái loại bình dân từ 4 - 7 chỗ dao động từ 500.000 - 2 triệu đồng/xe/ngày, tùy theo loại và đời xe. Các dòng xe 4 chỗ được thuê phổ biến nhất là Kia Morning, Chevrolet Spark, Honda Civic. Trong dịp này, giá tăng từ 200.000 - 500.000 đồng tùy loại xe. Thậm chí, có ngày cao điểm trùng với các lễ hội lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Chợ Viềng… hay các ngày cuối tuần, khách chấp nhận tăng giá 100% vẫn không có xe cho thuê.

Trao đổi với phóng viên, đại diện công an phường Quảng An, quận Tây Hồ (nơi có Phủ Tây Hồ) xác nhận có tình trạng trông xe với mức giá cao quá quy định. Công an phường đã lập biên bản, yêu cầu nhân viên tại địa điểm vi phạm về trụ sở và xử lý hành chính. “Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm trông giữ xe quanh khu vực Phủ Tây Hồ nói riêng và trên địa bàn phường nói chung, kiên quyết xử lý các điểm trông xe sai phạm để người dân yên tâm đi lễ Phủ Tây Hồ”. Trung tá Lê Văn Tân, Phó Trưởng Công an phường Quảng An cho biết. Còn tại chùa Phúc Khánh, một đại diện quận Đống Đa cho biết, công an quận đã tuyên truyền để các hộ dân cam kết không vi phạm quy định của thành phố về trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng thu tiền trông xe quá quy định. Do đó, công an quận đã giao cho các đơn vị liên quan như công an phường Ngã Tư Sở phối hợp với Thanh tra giao thông vận tải, Đội Cảnh sát giao thông số 3 tăng cường quản lý địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Tại Hà Nội, các phố tập trung nhiều cửa hàng cho thuê xe du lịch có lái và tự lái là Trần Khát Chân, Nguyễn Trãi, Phạm Hùng... Trong dịp lễ hội này, nguồn cung các cửa hàng đều tăng thêm 10 - 20% nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của khách. Do vậy, giá tăng là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Văn Hòa, một khách hàng đi thuê xe không kịp đặt từ trước Tết, đến bây giờ mới tìm thuê, nên không được xe ưng ý. Vào những ngày hội chính, các công ty nói sẽ huy động xe từ nơi khác về nên chi phí sẽ tăng. “Xe 29 chỗ đi lễ tuyến Hà Nội - Đền Bà Chúa Kho giá ngày thường là 2 triệu đồng, xe 35 chỗ giá là 3 triệu đồng nay tăng thêm 50% mỗi xe”, ông Hòa cho hay.

Không chỉ giá thuê xe tăng, khách hàng còn phải trả thêm những khoản phí phát sinh khác như tài xế riêng phục vụ theo lịch trình, phí cầu đường bến bãi, chi phí ăn nghỉ tài xế. Dịch vụ giữ xe, trông xe tại các điểm lễ hội tăng cao cũng khiến nhiều khách hàng thuê xe cảm thấy e ngại.

Xu hướng của thị trường thuê xe ôtô đi lễ hội năm nay tập trung vào các loại xe từ 16 chỗ trở xuống bởi phù hợp cho nhóm gia đình và bạn bè.




Hoàng Dương




Trông xe “chặt chém” ở Văn Miếu
Trông xe “chặt chém” ở Văn Miếu

15 giờ 30 ngày 22/2 (mùng 4 Tết), tại Văn Miếu vẫn đông nghẹt người đến thăm quan. Khách đến tham quan tìm chỗ gửi xe quả là không dễ dàng gì, nhất là đối với ôtô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN