Nhiều hoạt động sẽ được triển khai trong Tháng hành động năm nay. Trong đó, chiến dịch tuyên truyền sẽ được tổ chức tập trung từ ngày 1/4 - 15/5; Lễ phát động, hội nghị, hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 10-20/4; hoạt động thanh tra, kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/4 - 15/5.
Đặc biệt, 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập, thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng. Bên cạnh 6 đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương cũng tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.
Tại các địa phương, cùng với việc tổ chức thanh, kiểm tra, hoạt động truyền thông được chú trọng từ việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến việc tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm. Các cơ quan thông tấn, báo chí được huy động tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, phù hợp quy định của pháp luật trên địa bàn nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương. Việc công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng được thực hiện nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Tháng hành động được tổ chức nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Hoạt động cũng nhằm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu; nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng.
Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2018 cho thấy, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm.
Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội "Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm" và một số tội danh khác có liên quan đến an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, với số tiền gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.