Nhìn chung, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 109,9 trẻ nam/100 trẻ nữ, tỷ lệ chênh lệch này có xu hướng giảm so với năm 2018. Thông tin trên được ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11/7), tổ chức sáng 10/7.
Bên cạnh giảm tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, ngành Dân số Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được các kết quả đáng khích lệ như: tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở mức rất thấp, khoảng 7,7‰; mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các quận, huyện. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt hơn 87% và tỷ lệ trẻ em sơ sinh được sàng lọc sơ sinh đạt hơn 82%, cao nhất cả nước. Hiện dân số Thành phố có khoảng 8,8 triệu người, cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động tăng từ 64,5% lên gần 71% trong 10 năm qua.
Tuy vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với các vấn đề thách thức khi quy mô dân số ngày càng tăng, mật độ dân số cao và mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Tình trạng di cư ngoài kế hoạch vẫn diễn ra với cường độ mạnh, chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Để đạt được các mục tiêu về dân số và không ngừng nâng cao chất lượng dân số, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu ngành dân số Thành phố phối hợp cùng các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực dân số và phát triển, cần tập trung triển khai có trọng tâm các hoạt động nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời; mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tầm soát chẩn đoán và điều trị các bệnh tật trước sinh và sơ sinh cũng như chương trình khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đồng thời, nỗ lực chăm lo đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình cho mọi người dân trong đó có trẻ vị thành niên, thanh niên, đi trước đón đầu trong việc thích ứng với già hóa dân số.