Báo cáo về triển vọng đô thị hóa thế giới 2014 của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 10/7 cho biết hơn một nửa dân số thế giới hiện đang tập trung tại khu vực đô thị và tới năm 2050 sẽ có thêm khoảng 2,5 tỷ người sống ở đô thị.
Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn nguồn báo cáo trên cho biết 54% dân số thế giới hiện đang sống ở đô thị và tỷ lệ này sẽ lên tới 66% vào năm 2050. Theo báo cáo, đô thị hóa kết hợp với tăng trưởng dân số nói chung sẽ làm tăng thêm dân số đô thị khoảng 2,5 tỷ người, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria sẽ tăng 37%.
Dân đô thị hiện đã chiếm tới 1/2 dân số toàn cầu. Ảnh: Reuters |
Khu vực có mức đô thị hóa cao nhất hiện nay là Bắc Mỹ với 82% dân số sống ở đô thị, tiếp đó là Mỹ La tinh và Caribean 80% và châu Âu 73%. Trái lại, châu Phi và châu Á vẫn là khu vực có dân số nông thôn đông nhất, chiếm 90% dân số sống ở nông thôn toàn cầu. Tuy vậy, khu vực đô thị ở các châu lục này cũng đang tăng nhanh chóng với dự báo châu Á tăng 64%, châu Phi tăng 56% vào 2050.
Báo cáo khẳng định các quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh ở châu Á và châu Phi sẽ đối mặt với vô vàn thách thức khi phải đáp ứng nhu cầu của dân số đô thị tăng nhanh, bao gồm các thách thức về nhà ở, hạ tầng, giao thông, năng lượng, việc làm cũng như các dịch vụ cơ bản khác như giáo dục và y tế. Theo Giám đốc Vụ dân số LHQ John Wilmoth, “quản lý đô thị đã trở thành một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất trong thế kỷ 21”.
Tuy nhiên, cơ cấu dân số dự báo sẽ thay đổi, theo đó, số dân ở các “siêu đô thị” sẽ giảm trong khi các thành phố nhỏ hơn sẽ tăng mạnh, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Thành phố có dân số đông nhất thế giới là Tokyo (Nhật Bản) với triệu người, dự báo sẽ giảm xuống 37 triệu người vào năm 2030. Điều này sẽ đặt ra thách thức phải có một chương trình kế hoạch đô thị thành công và chú ý nhiều hơn đến các thành phố nhỏ khi gần một nửa dân số này sẽ sinh sống tại đây.
TTXVN/Tin tức