Ủng hộ giữ 60 phút cho con bú, bỏ 30 phút thời kỳ “đèn đỏ”

Việc bỏ hay giữ điều 155 Luật Lao động, quy định lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày và thời kỳ “đèn đỏ” được nghỉ thêm 30 phút, đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Ngành dệt may đang sử dụng nhiều lao động nữ. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chị Mạc Thùy Linh, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Nghỉ thêm 1 tiếng để cho con bú rất có ý nghĩa, bởi công nhân có thể tranh thủ vắt sữa, hoặc thu xếp thời gian để cho con bú. Trong khi nghỉ 30 phút thời kỳ "đèn đỏ" ít được chị em sử dụng vì nhiều vấn đề tế nhị. Nếu mệt thì xin nghỉ bù theo chế độ hợp lý hơn".


Theo bà Nguyễn Thu Giang, Viện Phó Viện Light, triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại các Khu công nghiệp,  khi thăm dò ý kiến của nữ lao động, thì nhiều người đồng thuận bỏ quy định nghỉ 30 phút thời kỳ “đèn đỏ”. Vì  áp dụng quy định này xảy ra hai trường hợp: Phụ nữ e dè không công khai hoặc là quá lạm dụng. "Thực tế, có trường hợp họ khai báo “bị 10 ngày” hoặc tháng nọ dài, tháng kia ngắn thì không ai kiểm soát dễ phát sinh tiêu cực. Do đó quy định nghỉ 30 phút thời kỳ “đèn đỏ” nên bỏ", bà Thu Giang cho biết.


“Riêng việc cho con bú bằng sữa mẹ thì nên giữ bởi Cơ quan y tế vẫn đang khuyến khích cho con bú bằng sữa mẹ trong 24 tháng đầu. Nếu không cho con bú sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ, phát sinh bệnh tật và nảy sinh nhiều vấn đề hệ lụy phức tạp hơn. Do đó, bên cạnh chính sách nghỉ thai sản 6 tháng thì Luật Lao động cũng tiếp tục duy trì chế độ nghỉ 1 tiếng khi trẻ dưới 1 tuổi để phụ nữ có thể tranh thủ cho con bú bằng sữa mẹ”, bà Nguyễn Thu Giang cho biết thêm.


Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, người chủ trì soạn thảo Luật Lao động thời kỳ đầu cho biết, từ năm 1994 cũng đã quy định cho lao động nữ được nghỉ 30 phút thời kỳ "đèn đỏ". Đối với phụ nữ đây là quy định nhân văn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì cũng thấy chưa phù hợp.

“Đối với nghỉ 60 phút đối với phụ nữ nuôi con dưới 1 tuổi cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Trên thực tế, với doanh nghiệp áp dụng mức khoán sản phẩm, thì nhiều lao động nữ cũng không có thời gian cho con bú. Thậm chí, tại nhiều khu công nghiệp, lao động nữ còn phải gửi con về quê để tăng ca. Đây là thực tế và phụ thuộc nhiều vào ý thức chăm lo lao động của chủ sử dụng lao động. Do đó, khi đưa vào dự thảo, ban soạn thảo và Bộ LĐTXH cũng cân nhắc”, ông Phạm Minh Huân cho biết

Trước đó, trả lời báo chí, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tổ trưởng tổ soạn thảo Luật Lao động sửa đổi cho biết: “Một số doanh nghiệp cho rằng quy định cho lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi nghỉ 60 phút và nghỉ 30 phút trong kỳ “đèn đỏ” là không còn phù hợp. Điều này gây ảnh hưởng tới sự phát triển, quá trình bố trí lịch sản xuất của doanh nghiệp. Việc quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong kỳ kinh nguyệt hầu như không áp dụng được, bởi lao động không khai báo và doanh nghiệp cũng không có cách nào để giám sát. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là ý kiến từ một phía chủ sử dụng lao động. Bộ đang lấy ý kiến các bên có liên quan trước khi trình Chính phủ”.

XC
Có thể bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày
Có thể bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày

Ngày 9/1, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Sẽ xem xét đề xuất bỏ quy định lao động nữ nuôi con được nghỉ 60 phút mỗi ngày của dự thảo Luật Lao động sửa đổi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN