Thực hiện lời huấn thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành, khối ở Trung ương và các tỉnh họp ở Phú Minh (Đại Từ - Thái Nguyên) đã chính thức chọn ngày 27/7 là “Ngày Thương binh” trong cả nước. Đến năm 1955, “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để toàn dân thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tặng quà lưu niệm cho các doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam trong chương trình nghệ thuật Tri ân đồng đội với chủ đề "Vang mãi khúc quân hành". Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 69 năm qua, Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ ta đã ban hành hàng nghìn văn bản, hàng trăm sắc lệnh, pháp lệnh, chỉ thị, nghị quyết, thông tư về thương binh, liệt sĩ, người có công với nước. Đó là một thành quả to lớn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của các đối tượng chính sách qua từng thời kỳ phát triển của đất nước. Đến nay, sau hơn 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đặc biệt là sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới “chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm.
Cả nước hiện có khoảng 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, có khoảng 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Bảo đảm mức sống người có công được tương đương hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú”. Song song đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sĩ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 công trình ghi công liệt sĩ trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sĩ, 3.540 nhà bia ghi tên liệt sĩ và 3.077 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số trên 780.000 mộ.
Cùng với chính sách của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được phát triển rộng khắp. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Cả nước hiện có 90.000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay gần 6.000 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Tuy nhiên, qua Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, vẫn còn một số người chưa được hưởng chế độ chính sách ưu đãi người có công, một số người còn chưa được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi và vẫn có người hưởng sai chế độ ưu đãi. Để tăng cường việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian tới, theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, các cấp ủy Đảng và chính quyền ở địa phương; các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Chỉ thị nêu rõ: “Để tăng cường việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, phải kiên quyết khắc phục các thiếu sót trong thời gian qua; tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bố trí vốn thực hiện chính sách hỗ trợ người có công, bảo đảm người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ.
Ðạo nghĩa của dân tộc đòi hỏi Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác "Ðền ơn đáp nghĩa" đối với những người, những gia đình có công với nước. Mục tiêu và nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 là: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội. Làm tốt chính sách ưu đãi người có công”, Đại hội XII của Đảng cũng đã đề ra chủ trương: “Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách người có công”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ trên, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị cần tiếp tục động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các doanh nghiệp và mọi người dân quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho gia đình thương binh, liệt sỹ, những người có công với nước bằng nhiều việc làm thật thiết thực và với cả tấm lòng, sự tri ân sâu sắc đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, các gia đình chính sách. Các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa chính sách của Nhà nước đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ chính sách với phương châm tuyệt đối không để lọt, để sót và giải quyết nhanh, dứt điểm những trường hợp người thật sự có công nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện và nghiêm trị theo pháp luật những trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể động viên, đoàn viên, hội viên các tầng lớp nhân dân, kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ phát triển Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp vật chất, động viên tinh thần cho các gia đình chính sách, con liệt sỹ, thương binh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, động viên, mong muốn các đồng chí thương binh, gia đình liệt sỹ, các gia đình có công với nước vượt lên trên mọi khó khăn, nỗ lực hết sức mình sống và làm việc gương mẫu, đóng góp tinh thần, sức lực dựng xây đất nước, làm rạng rỡ truyền thống quê hương và gia đình.