Toàn bộ sân vận động Mù Cang Chải (Yên Bái) bị ngập hơn 1 mét trong bùn đất sau trận lũ ống hồi tháng 8/2017. Ảnh: Đinh Hữu Dư/TTXVN |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn và bà Mizuho Okimoto - Kaewtathip, Trưởng Chương trình chính sách xã hội và quản trị của UNICEF tại Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và gần 40 nhà báo đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, hoạt động thông tin, truyền thông trong phòng chống thiên tai những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, phản ánh sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thông tin của cộng đồng. Thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là chỉ đạo từ Trung ương xuống các địa phương về việc ứng phó với thiên tai đã được truyền tải kịp thời, chính xác đến người dân qua nhiều phương thức khác nhau. Các nhà báo đã không quản khó khăn, nguy hiểm, đồng hành cùng những người làm công tác phòng chống thiên tai để cung cấp, chia sẻ, phản ánh thông tin kịp thời, chính xác công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bà Mizuho Okimoto - Kaewtathip, Trưởng Chương trình chính sách xã hội và quản trị UNICEF tại Việt Nam cho biết, hội thảo có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống thiên tai, góp phần giảm thiểu tổn thất về người do thiên tai gây ra, đặc biệt trong nhóm những người dễ bị tổn thương bao gồm phụ nữ, trẻ em đặc biệt là trẻ em gái.
Đề cập đến vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả trong truyền thông phòng chống thiên tai, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài cho rằng: Cần tích cực truyền tải thông tin chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng chống thiên tai của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ ngành đến các cấp chính quyền và người dân. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan thường trực phòng chống thiên tai các cấp với các cơ quan thông tin đại chúng nhất là trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin.
Các cơ quan truyền thông cần chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống các loại hình thiên tai, pháp luật của Nhà nước; tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng, đăng tải, phát hành bản tin cảnh báo, dự báo, nội dung chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng... đến người dân để giảm thiểu thiệt hại thiên tai; kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai vượt qua khó khăn.
Các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ một số vấn đề kỹ thuật về phòng chống thiên tai, nguyên tắc cơ bản trong công ước Quốc tế về quyền trẻ em, liên quan đến trẻ em trong thiên tai, phương pháp tiếp cận truyền thông vì sự phát triển … với các cơ quan thông tấn, báo chí.