Tùy tiện trong thói quen sinh hoạt
Khu chung cư New Horizon City, 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai gồm 4 tòa nhà với 1.244 căn hộ, mới được đưa vào sử dụng từ năm 2017 đến nay. Với số lượng căn hộ và cư dân lớn, nơi đây cũng không tránh khỏi những tồn tại trong văn hóa ứng xử hàng ngày. Bên cạnh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân âm ỉ từ nhiều năm qua, văn hóa chung cư ở đây cũng là vấn đề bất cập, nằm trong thực trạng chung của các chung cư tại Hà Nội. Bởi thực tế, các cư dân ở đây không chỉ có cán bộ, viên chức nhà nước mà còn rất nhiều người kinh doanh, những người lao động tự do, người thuê nhà với những thói quen sinh hoạt khác nhau.
Theo anh Nguyễn Hoài Việt, Trưởng Ban quản trị cụm nhà chung cư New Horizon City, việc vứt rác bừa bãi, chó mèo vệ sinh ra hành lang, khạc nhổ bừa bãi thường xuyên diễn ra. Anh cho biết, nhiều nhà thiếu ý thức còn vứt rác trong nhà vệ sinh từ tầng cao xuống dưới, hay thậm chí còn lấy mũ bảo hiểm của nhau trong nhà để xe. Vừa rồi, anh cùng một số người trong Ban quản trị xử lý các vụ này nhưng mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở những gia đình vi phạm. Hiện tại, Ban quản trị chưa việc áp dụng các hình thức xử phạt bởi chưa có chế tài, chưa có quy định chung của chung cư. Ngay cả nội quy chung cư mới làm tạm thời, Ban quản trị đang tiến hành xây dựng lại nội quy một cách cụ thể, phù hợp với đặc thù của chung cư mình.
Cư dân chung cư 622 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng thường xuyên phàn nàn về tình trạng khạc nhổ trong thang máy, nuôi chó thả rông ở các tầng tòa nhà, nhà tầng trên kệ đồ đạc, chạy nhảy ảnh hưởng đến nhà tầng dưới. Thậm chí có hộ còn nhóm lò ngoài lô gia để đun thuốc bắc. Việc nhóm lò đun thuốc vừa nguy hiểm đến an toàn phòng chống cháy nổ, vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân khác. Trước việc một số hộ gia đình thiếu ý thức, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của các hộ dân khác, anh Bùi Cường, cư dân ở tòa nhà chia sẻ, mỗi người đều có cái khó nhưng mọi người nên vì lợi ích cộng đồng chung.
Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các chung cư trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, nhiều trường hợp "cười ra nước mắt" bởi cách nghĩ xuề xòa, thói quen tùy tiện của người dân. Không ai có thể nghĩ rằng, người ta có thể mang cả xe máy lên chung cư bằng thang máy nhưng điều đó từng xảy ra tại khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Nhiều người dỗ con, dỗ cháu bằng cách vào thang máy bấm lên xuống liên tục…
Mới đây, cư dân chung cư Gelexia Riverside, 885 Tam Trinh, quận Hoàng Mai phát hiện hai người khách đến chơi dùng mũ bảo hiểm che camera để tiểu tiện trong thang máy. Tệ hơn, tình trạng đại tiện trong thang máy đã xảy ra tại chung cư Capital Garden, 102 Trường Chinh, quận Đống Đa, khiến mọi người vô cùng bức xúc. Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân chung cư khiến hình ảnh văn hóa chung cư trở nên lộn xộn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân tại đây.
Thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng
Nếu so sánh tính cộng đồng giữa làng xóm, tổ dân phố với các chung cư, rõ ràng cư dân chung cư không thể có tính cộng đồng cao. Bởi thực tế, cư dân chung cư là những người tập trung ở nhiều nơi về sinh sống, chưa hiểu nhiều về nhau, hơn nữa họ đi làm cả ngày, thường chỉ gặp nhau vào buổi tối và những ngày nghỉ. Thời gian tiếp xúc với nhau hạn chế, do vậy, sự gắn kết giữa các gia đình với nhau không chặt chẽ. Thậm chí, nhiều người sinh sống cùng tầng với nhau cũng không quen biết hoặc không thường xuyên giao tiếp với nhau. Chính bởi vậy, tính trách nhiệm với những người xung quanh dường như còn hạn chế.
Ngay cả trách nhiệm với bản thân và gia đình các cư dân cũng lỏng lẻo. Nhiều người quan niệm, Ban quản trị là tổ chức đại diện cho các cư dân nên họ có trách nhiệm chung cho toàn cư dân. Tại các cuộc họp liên quan đến quyền lợi cư dân, nhiều người không tham dự, không quan tâm đến lợi ích của chính mình.
Một khu chung cư tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy có tới 3.000 hộ dân nhưng khi triệu tập một cuộc họp chỉ có khoảng 50 người tham dự. Một khu chung cư khác có tổng số 200 hộ, khi tổ chức lớp tập huấn phòng cháy chữa cháy chỉ có 30 người tham dự. Những người tổ chức lớp tập huấn tìm hiểu kỹ, trong số người tham dự có tới 19 người là giúp việc của các gia đình. Đặt trường hợp, nếu tòa nhà này xảy ra hỏa hoạn, khả năng phòng tránh sẽ thế nào khi cư dân không có trách nhiệm tham gia tập huấn, còn người giúp việc sẽ thay đổi thường xuyên. Trong khi đó, theo đánh giá, cư dân tại các chung cư chiếm đến trên 80% là các gia đình trẻ.
Chung cư Tràng An Complex, phố Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy thuộc diện chung cư cao cấp nhưng ý thức cư dân tại đây vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Ông Nguyễn Ngọc Khải, đại diện cư dân tại chung cư cho biết, cả khu có 878 hộ nhưng chưa có cuộc họp nào được 300 hộ tham dự. Do chung cư chưa thành lập được Ban quản trị nên khi thành lập Ban đại diện cư dân, mọi người phải bê thùng phiếu đi từng nhà để lấy ý kiến. Đến khi đủ 50% gia đình đồng ý, Ban đại diện cư dân mới được thành lập. Nhìn chung, các cuộc họp hay cuộc họp liên quan đến quyền lợi cư dân đều trong tình trạng như vậy, bởi lớp trẻ hiện không quan tâm nhiều.
Không thể phủ nhận, nhiều hộ gia đình tại chung cư luôn có ý thức tôn trọng cộng đồng nơi mình sinh sống, chấp hành tốt các quy định chung. Song, thực tế đang tồn tại không ít những bất cập về văn hóa chung cư, nhất là trong ứng xử của một cộng đồng người cùng sử dụng không gian chung. Những bất cập trong ứng xử không chỉ đến giữa cư dân với Ban quản trị, cư dân với chủ đầu tư mà những mâu thuẫn còn xảy ra ngay trong mối quan hệ giữa Ban quản trị với chủ đầu tư.
Bài 2: Muôn kiểu tranh chấp