Trên cơ sở đó, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã và đang được các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội quan tâm với cách nhìn mới hơn, ban hành nhiều chính sách phù hợp xu thế thế giới, chú trọng chiều sâu trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện.
Hội nhập với quan điểm quốc tế
Theo ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, thời gian qua, thành phố đã đầu tư nguồn ngân sách rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, bệnh viện, cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ngoài công lập dành cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thống kê khoảng 10 năm gần đây, thành phố đã xây dựng mới 11 công trình vui chơi giải trí, 22 phòng chiếu phim 3D, đưa vào hoạt động khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội và Bệnh viện Nhi đồng thành phố với quy mô 1.000 giường tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
“Thành phố đã ban hành 12 chương trình, kế hoạch, đề án hành động quốc gia vì trẻ em nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, đồng thời khắc phục nhiều bất cập trong quá trình triển khai các chính sách, quy định chưa sát với thực tế…”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cụ thể, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; Chương trình bảo vệ trẻ em thành phố; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc... đã được triển khai sâu rộng và liên tục, tạo tiền đề vững chắc cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thành phố, hướng đến hội nhập quốc tế.
Đi sâu vào các chính sách này còn có đề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng”; đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu chế xuất - khu công nghiệp; Chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh… đã hỗ trợ, giải quyết kịp thời cho trẻ ở vùng xa có hoàn cảnh khó khăn.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em thành phố, ngoài việc phát huy tối đa hiệu quả lợi ích từ chương trình, đề án mang lại, nhiều địa phương cùng các cấp, ngành, đoàn thể đã phối hợp với tổ chức quốc tế như Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Cô nhi Thế giới (WWO)… trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các dự án thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương.
“Điều đáng ghi nhận sau khi triển khai các dự án như: “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em”, “Trường học thân thiện và Bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương”, “Phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em””, “Hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em dễ bị tổn thương sống trong cộng đồng” đã thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, trên nền tảng dự án đã thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực, nhiều địa phương tiếp tục vận dụng, phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho trẻ em”, bà Thanh chia sẻ.
Nhìn nhận về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ ở TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho rằng, qua việc triển khai tại các cấp cơ sở, thành phố đã tạo sự thay đổi cơ bản về quan điểm cách tiếp cận trẻ em, đảm bảo cho trẻ em phát triển trong điều kiện hội nhập và quan điểm quốc tế về quyền trẻ em.
“Khi cộng đồng nhận thức được trẻ là một thực thể cần phải trân trọng, người lớn phải hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để trẻ được phát triển toàn diện, cho thấy một sự tiến bộ rất lớn nhận thức về trẻ em”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo và các cấp, ngành thành phố, nhất là quá trình hợp tác triển khai các dự án, trong đó có dự án “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em hướng đến đảm bảo quyền trẻ em”.
Bà Rana Flowers mong muốn, tiếp tục tăng cường hợp tác, đẩy mạnh hoạt động trao đổi, đánh giá kết quả và chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những thách thức liên quan đến trẻ em trong quá trình xây dựng thành phố trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện với trẻ em.
Bà Rana Flowers tin tưởng, dự án trên cùng nhiều chương trình, dự án khác có liên quan sẽ góp phần cải thiện dịch vụ xã hội, hỗ trợ xây dựng chính sách, tạo cơ sở kỹ thuật, điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và thực hiện quyền trẻ em phù hợp với định hướng thành phố phát triển bền vững trong tương lai.
Để trẻ được phát triển toàn diện
Thách thức lớn nhất hiện nay ở góc độ quản lý nhà nước là số lượng và chất lượng đội ngũ nhân sự, nhân viên làm công tác này còn hạn chế.
Vấn đề này, bà Trần Thị Thùy Trang, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận 3 nhìn nhận, đội ngũ cộng tác viên ở các phường, xã, thị trấn tuy rất nhiệt huyết nhưng đa dạng về độ tuổi và trình độ nên ảnh hưởng ít nhiều đến kiến thức, kỹ năng khi tiếp cận, xử lý vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Ngoài ra, việc phân công kiêm nhiệm, chuyển đổi thường xuyên người làm công tác liên quan đến trẻ em càng làm gia tăng thêm thách thức cho hệ thống bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Để khắc phục những khó khăn đó, bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2020-2025, Hội sẽ tăng cường phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em trong cộng đồng, trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, truyền thông mang tính sáng tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em; tăng cường phối hợp làm tốt công tác phòng ngừa, can thiệp và trợ giúp trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bạo lực...
Để bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất cho trẻ em, nhiều địa phương đã đa dạng hóa các mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, hướng chương trình, dự án đến hành động vì trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực thay đổi hành vi cho trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội; tiếp tục duy trì, phát triển chương trình diễn đàn trẻ em, tham vấn ý kiến trẻ em, mô hình hội đồng trẻ em, thực hiện chương trình do trẻ em khởi xướng…
Riêng huyện Củ Chi đã thành lập 62 điểm tư vấn cho trẻ tại trường học, 19 nhóm trẻ em nòng cốt, 260 câu lạc bộ đội nhóm; trong đó có Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, mô hình hộp thư “điều em muốn nói”.
Tại 21 xã, thị trấn của huyện Củ Chi có ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em, 8 điểm tư vấn cộng đồng; các mô hình về đội công tác xã hội tình nguyện; mô hình câu lạc bộ tuyên truyền viên đồng đẳng... nhằm lồng ghép tư vấn thực hiện quyền trẻ em, pháp luật về bảo vệ chăm sóc trẻ em, can thiệp, hỗ trợ, giáo dục trường hợp trẻ vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng.
Cùng tham hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với các cấp chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hội, đoàn thể còn có nhiều tổ chức xã hội, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng hành bằng những việc làm thiết thực như: Hỗ trợ học bổng, bảo hiểm; hỗ trợ phương tiện cho trẻ đến trường; hỗ trợ dinh dưỡng; hỗ trợ mổ tim, hở hàm ếch; tổ chức hội trại chắp cánh ước mơ, chương trình du lịch chắp cánh ước mơ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn…
Với vai trò là đơn vị chuyên môn, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở đã đề xuất Ủy ban nhân thành phố ban hành mục tiêu về phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, về bảo vệ trẻ em, giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ, sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Điểm nhấn của chương trình là tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu vì trẻ em; xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu về trẻ em, các Quyết định của Thủ tướng cùng chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em, bảo đảm việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các cấp, ngành và xác định cụ thể cơ chế, nguồn lực thực hiện.
Cùng với đó là tiếp tục đàm phán, vận động các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cùng tham gia giải quyết vấn đề của trẻ em, xây dựng công cụ hỗ trợ trẻ em phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ bạo lực, xâm hại phát sinh mới; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ em được phát triển toàn diện, bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế...