Việt Nam điều trị khỏi 85% ca mắc COVID-19; Đưa hàng trăm công dân Việt Nam về nước

Việt Nam tiếp tục không có ca mắc mới COVID-19 trong ngày 27/5, đồng thời ghi nhận bệnh nhân số 19 (bác của bệnh nhân số 17 tại phường Trúc Bạch, Hà Nội) là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất miền Bắc đã bình phục. Hàng trăm công dân Việt Nam cũng đã được đưa từ Hàn Quốc về nước.

Ngày 27/5, số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế còn 49 trường hợp. Việt Nam đã điều trị khỏi 278/327 ca bệnh. Kể từ ca mắc COVID-19 thứ 2 được công bố ngày 16/4 đến nay, Việt Nam đã qua 41 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Ngày 27/5, bệnh nhân COVID-19 số 19 - bệnh nhân nặng nhất miền Bắc - đã bình phục và ra viện. Ảnh: TTXVN

Các ca mắc mới COVID-19 từ ca 269 đến ca 327 đều là ở người mới nhập cảnh vào Việt Nam, được cách ly ngay khi nhập cảnh nên không có nguy cơ lây ra cộng đồng.

Cùng với việc giảm số ca mắc COVID-19, số người cách ly cũng đang giảm dần. 9.734 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 6 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 17 ca.

Sáng 27/5, tại Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thêm 6 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có BN19 là bệnh nhân nặng nhất được điều trị tại Bệnh viện tính đến thời điểm này.

BN19 là bệnh nhân rất đặc biệt, bệnh nhân nặng nhất miền Bắc từng có nhiều lần nguy kịch, diễn biến phức tạp, các y bác sĩ đã phải rất nỗ lực để cứu sống người bệnh. Bệnh nhân đã từng phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO, thậm chí ngừng tim lúc nửa đêm nhiều lần dọa tử vong. Bằng sự nỗ lực hết mình của các y bác sĩ, sau hơn 80 ngày điều trị tích cực, đến nay, BN19 đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, tự thở khí phòng, sức khoẻ ổn định.

Việc cứu chữa thành công ca bệnh này đã khẳng định được sự quyết tâm chiến thắng dịch bệnh và khẳng định được trình độ của y học Việt Nam có thể điều trị, cứu sống các ca COVID-19 nặng.

Bệnh nhân 91 người Anh đã có tín hiệu tỉnh

Chiều tối 27/5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay bệnh nhân 91 sau những ngày điều trị tại bệnh viện đã bắt đầu có tín hiệu tỉnh, có thể thực hiện được những y lệnh đơn giản của bác sĩ.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 91 đã có thể thực hiện được những y lệnh đơn giản của nhân viên y tế. Ảnh: BV

Các bác sĩ điều trị bệnh viện Chợ Rẫy cho hay trong 2 ngày qua, nam phi công người Anh - bệnh nhân 91 đã bắt đầu được ngưng thuốc giãn cơ, giảm liều thuốc an thần. Đặc biệt, sau khi đã ngưng hẳn thuốc an thần thì trong đêm, người bệnh bắt đầu có tín hiệu tỉnh, có thể tiếp xúc và thực hiện được những y lệnh đơn giản của nhân viên y tế. Phản xạ ho sặc của bệnh nhân cũng khá hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể cử động được những đầu chi mặc dù tình trạng liệt cơ hoành, yếu liệt các chi vẫn còn. Hiện tại, bệnh nhân 91 sau khi được lọc thận 24 giờ đã ngưng lọc thận trở lại và điều trị bằng thuốc.

Đánh giá về mức độ hồi phục các chức năng của phổi, các bác sĩ cho rằng, dù người bệnh có cải thiện nhưng mức độ cải thiện của phổi vẫn chưa nhiều, cần thời gian tiếp tục điều trị nhiễm trùng cũng như các phương án tiếp theo, hướng đến từng bước giảm các thông số, các chỉ số ECMO.

“Với tình trạng hiện tại, người bệnh vẫn còn nặng. Tuy nhiên, so với tiến triển của 2 ngày trước về mặt tri giác, các thông số oxy máu và chức nặng thận của người bệnh đã cải thiện hơn”, các bác sĩ cho hay.

Đại diện bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết thêm, sau khi có cuộc hội chẩn của toàn Bệnh viện, dự kiến chiều mai, người bệnh sẽ được chụp CT- scan ngực để đánh giá mức độ hồi phục của phổi. Dự kiến trong thứ 6 ngày 29/5, bệnh viện sẽ xin phép được hội chẩn trực tuyến với Tiểu ban điều trị của Bộ Y tế cũng như các đầu cầu để xem xét và thống nhất kế hoạch điều trị tiếp theo cho người bệnh.

Đưa hàng trăm công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về nước

Ngày 27/5, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức chuyến bay đưa gần 340 công dân Việt Nam hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Khách hàng xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em, học sinh, người cao tuổi, người ốm đau, du học sinh đã học xong và tốt nghiệp, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, một số khách du lịch, đi công tác bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những ngày qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Ngay sau khi hạ cánh tại Việt Nam, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách đều được kiểm tra sức khỏe và cách ly tập trung theo quy định. Những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SAR-CoV-2 được chuyển đến điều trị tại các cơ sở y tế, đảm bảo ngăn ngừa sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Trên cơ sở nguyện vọng của công dân, diễn biến thực tế của dịch bệnh trong và ngoài nước, năng lực cách ly của các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không trong nước tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng

Ngày 27/5, tại tỉnh Thái Nguyên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị "Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp" nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tính đến tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 6.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 90.000 tỷ đồng và 151 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD. Do tác động của dịch COVID-19, có 5.300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng; trong đó có 250 doanh nghiệp thiệt hại 70% doanh thu trở lên, 4.250 doanh nghiệp thiệt hại 30 - 70% doanh thu, 800 doanh nghiệp bị thiệt hại dưới 30% doanh thu… Các doanh nghiệp thiệt hại ước tính 50.000 tỷ đồng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: tiếp tục đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, giảm lãi suất cho vay khách hàng, nhất là giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cung ứng đầy đủ vốn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau dịch. Đồng thời, ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng.

Những kiến nghị của đại biểu liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng sẽ được đề xuất lên Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

XC/Báo Tin tức
Tập trung tuyên truyền về Hà Nội là điểm đến an toàn
Tập trung tuyên truyền về Hà Nội là điểm đến an toàn

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội đẩy mạnh truyền thông Hà Nội là điểm đến an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN