Chợ trung tâm xã Thanh Vân (huyện Tam Dương) được đầu tư xây dựng năm 2012 với số vốn 13 tỉ đồng nhưng chỉ có vài ki ốt có người thuê.
|
Xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch là địa phương có nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn sau gần 6 năm xây dựng. Tuy nhiên, đây cũng chính là xã đang nợ tiền xây dựng cơ bản nhiều nhất tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2016, xã Liên Hòa còn nợ đọng xây dựng cơ bản gần 24 tỷ đồng. Đây là mức nợ cao nhất tỉnh và tập trung chủ yếu ở 3 tiêu chí gồm: giao thông 19,5 tỷ đồng; cơ sở vật chất văn hóa gần 2 tỷ đồng; trường học hơn 2,3 tỷ đồng.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Liên Hòa được UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ 60% kinh phí để cứng hóa 9,8km/18,7km giao thông nông thôn, với suất đầu tư 1,3 tỷ đồng/km. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, kinh phí để thực hiện được 1km đường giao thông đảm bảo theo quy định lên tới 1,8 - 2 tỷ đồng. Liên Hòa là địa phương khó khăn, không có nguồn thu, 100% ngân sách chi thường xuyên đều từ cấp trên phân bổ nên xã không có tiền đối ứng cho thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hòa, để giải được bài toán nợ đọng xem ra rất khó khăn bởi không thể huy động sức dân thêm nữa. Hiện, Liên Hòa đang giải quyết các tồn tại về đất đai để tổ chức bán đấu giá đất. Tuy nhiên, giá bán đất ở đây rất thấp và nhu cầu mua đất của người dân không cao.
Tại xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, nợ xây dựng nông thôn mới đã trở thành gánh nặng đối với chính quyền và nhân dân. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2014, Duy Phiên đã phải “gánh” 17 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phiên, cho biết: “Nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay cho Duy Phiên, mọi mặt đời sống của người dân nơi đây cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trưởng, giữ vững và phát triển những tiêu chí đã đạt được quả là một vấn đề không hề dễ”.
Hiện nay, xã Duy Phiên còn rất nhiều tiêu chí cần phải đầu tư để giữ vững nông thôn mới như tiêu chí giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tiêu chí trường học, tiêu chí môi trường... Sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ gần như không còn nên đa phần các địa phương phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ để thực hiện. Tuy nhiên, nguồn vận động nhân dân đóng góp ngày càng hạn hẹp và nguồn lực để nâng cấp các tiêu chí đạt chuẩn chủ yếu dựa vào bán đấu giá đất dịch vụ.
“Gần chục năm trở lại đây, xã không bán đấu giá được đất dịch vụ nào”, ông Nguyễn Ngọc Tiến trăn trở.
Năm 2017, nhân dân và cán bộ xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch dồn sức, quyết tâm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã Đồng Ích đã có 100% đường trục xã, 70,7% đường trục thôn, 61,2% đường ngõ xóm và 69,2% đường trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa, trên 94% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, tình hình anh ninh trật tự ổn định.
Mặc dù đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng đến nay, nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng chương trình của Đồng Ích còn trên 9,7 tỷ đồng nên địa phương chưa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Trần Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, “để trả nợ xây dựng cơ bản, UBND xã chỉ còn phương án quy hoạch đất giãn dân và tiến hành đấu giá để địa phương hoàn thành việc trả nợ và tiếp tục đầu tư vào một số hạng mục công trình các tiêu chí: chợ, giao thông, môi trường để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những điều kiện để công nhận xã nông thôn mới là không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Điều này đã khiến nhiều địa phương ở Vĩnh Phúc khó hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc có 28 xã phấn đấu, đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2017, chỉ có 2 xã là Hoàng Hoa (huyện Tam Dương) và xã Ngọc Thanh (thị xã Phúc Yên) không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, 16 xã còn lại có số nợ lên tới hơn 160 tỷ đồng nên chưa được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có thêm 9 xã về đích nông thôn mới nên nguồn vốn đầu tư sẽ rất lớn. Để tránh xảy ra tình trạng nợ đọng, Vĩnh Phúc đã yêu cầu các địa phương không triển khai, xây dựng các công trình không thực sự cấp thiết; đẩy mạnh bán đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn quyết toán vốn. Từng địa phương cần cân đối nguồn lực trong phân bổ ngân sách năm 2017 để giải quyết một phần số nợ.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc đang tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện, bền vững nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân.