|
Đàn voi thường vào phá nương rẫy của người dân vào ban đêm. Cuộc sống luôn thấp thỏm, bất an, tài sản bị voi phá sạch, hàng trăm hộ sân tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán đang phải gồng mình sống chung với nỗi sợ trên. Chính quyền địa phương đã phải dùng biện pháp dựng hàng rào điện để ngăn chặn nhưng cũng chưa thể giải quyết triệt để xung đột giữa voi và người.
Khu rẫy của anh Nguyễn Viết Phúc, tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán trồng 1.500 gốc chuối. Chỉ còn 3 tuần nữa số chuối trên sẽ đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, sau một đêm đàn voi rừng khoảng 6 con kéo về quật đổ, giẫm nát và ăn gần hết số chuối. Sau nhiều tháng đầu tư, chăm bón, gia đình anh Phúc xem như trắng tay.
“Đàn voi thường lựa đến mùa chuối gần chín chúng mới kéo về ăn. Vì chuối là món ăn voi ưa thích, do đó chỉ trong một đêm, cả rẫy chuối bị đàn voi ăn và quật đổ gần hết. Mùa chuối này, gia đình xem như trắng tay”, anh Phúc cho biết.
Không chỉ phá vườn cây ăn trái, đàn voi còn kéo về quật đổ nhà và chòi canh nương rẫy của người dân để tìm thức ăn, muối. Tổ phản ứng nhanh đối phó xung đột voi rừng với người, thuộc xã Thanh Sơn cho biết, thời gian qua đàn voi khoảng 5 – 12 cá thể thường kéo về phá hoa màu, cây ăn trái và phá chòi canh, ăn cả gạo và bắp của người dân để trong chòi.
|
Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, đàn voi đã kéo về phá nương rẫy của người dân tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán 35 lần. Nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái của người dân bị voi quật đổ, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân trong khu vực.
Trước tình trạng xung đột gay gắt giữa voi và người, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện dự án khẩn cấp bảo tồn voi đoạn 2014 – 2020 tại Đồng Nai. Dự án nhằm bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; khôi phục bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đặc biệt, từ tháng 7/2017 đến nay hạng mục hàng rào điện ngăn xung đột giữa voi và người đã được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đưa vào vận hành. Hàng rào điện được xây dựng với chiều dài 50 km đi qua địa bàn hai huyện Vĩnh Cửu và Định Quán (Đồng Nai).
|
Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, qua công tác điều tra cho thấy diện tích vùng sinh cảnh sống của đàn voi rừng ở Đồng Nai là khoảng trên 42.000 ha. Từ tháng 7/2017 khi hàng rào điện đưa vào vận hành đã bảo vệ được 16.000 ha rừng và diện tích vườn cây ăn trái, nương rẫy với khoảng 50.000 hộ dân thuộc hai huyện Vĩnh Cửu và Định Quán.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và vận hành hàng rào điện ngăn cách giữa vùng sinh cảnh sống của voi và nương rẫy của người dân, đã phát sinh nhiều vấn đề; trong đó, thời gian gần đây voi liên tục kéo về phá nương rẫy hoa màu của người dân.
Ông Lê Việt Dũng cho rằng, voi di chuyển rất nhanh, mỗi ngày phạm vi di chuyển của đàn voi khoảng 20 – 30km. Do đó, khi hàng rào điện được đưa vào vận hành, voi tiếp tục di chuyển dọc theo hàng rào và khi đến khu vực điểm cuối hàng rào điện, chúng lại kéo vào nương rẫy để tìm thức ăn. Hiện nay có hai đàn voi, mỗi đàn khoảng 6 -7 cá thể đã “định cư” tại khu vực này và thường xuyên vào phá nương rẫy của dân.
Theo ông Dũng, chính vì dự án mới chỉ thực hiện được 50km hàng rào, chưa ngăn hết vùng sinh cảnh sống rừng tự nhiên và vùng canh tác của dân, do đó voi vẫn vào được nương rẫy để tìm thức ăn.
Hiện Chi Cục Kiểm lâm đang kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai và Tổng cục Lâm Nghiệp cho phép tiếp tục xây dựng tiếp khoảng 20 km hàng rào điện tại vị trí phía Bắc từ đường 323 đến giáp sông Đồng Nai, phía Nam từ điểm cuối hàng rào xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đến điểm cuối xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) với kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, ngày 15/6/2018 UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản về việc phát sinh một số vấn đề thuộc dự án khẩn cấp bảo tồn voi, trong đó chấp thuận việc đầu tư thêm 20 km hàng rào điện cố định để ngăn chặn xung đột giữa voi và người. Hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đánh giá để tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai có các phương án xây dựng thêm 20 km hàng rào điện bảo vệ voi.
|
Theo khảo sát của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, hiện nay đàn voi rừng tại Đồng Nai gồm khoảng 14 – 16 cá thể, có cả voi đực, voi cái và voi con. Đây là giống voi châu Á quý hiếm đang được bảo vệ.
Nhiều năm trở lại đây, trên các cánh rừng của Đồng Nai thường xuyên xảy ra xung đột giữa voi và người. Voi thường kéo về phá hoa màu, cây ăn trái của người dân. Đỉnh điểm của xung đột là nhiều cá thể voi đã bị chết, một người dân tại huyện Định Quán đã bị voi quật chết trong khi đi bắt cá trong rừng; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái bị voi phá, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tinh thần cho người dân.