Ngay sau khi vụ việc tiêm thuốc an thần cho lợn bị phát hiện, cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã bị lực lượng chức năng thành phố tạm đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, với công suất giết mổ lên đến 5.000 con lợn/ngày, chiếm khoảng 50% tổng lượng thịt tiêu thụ của toàn thành phố, việc cơ sở Xuyên Á bị đóng cửa đã ảnh hưởng đến hoạt động giết mổ của nhiều thương lái và các lò mổ trên địa bàn và cả khu vực lân cận.
Lợn bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN Phát |
Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 3/10, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngay sau khi lò mổ Xuyên Á bị tạm đình chỉ hoạt động, việc kiểm soát giết mổ ở địa phương này khá vất vả.
Theo bà Khanh, trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 5 cơ sở giết mổ tập trung với công suất giết mổ bình quân khoảng 2.700 con lợn/ngày. Tuy nhiên, kể từ ngày 30/9 (sau khi Xuyên Á bị đóng cửa) đến nay, số lượng lợn đưa về các cơ sở này để giết mổ đã lên đến trên 5.000 con, tăng gần gấp đôi so với trước đó. Điều lo lắng nhất hiện nay là vấn đề kiểm soát môi trường giết mổ và nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát nếu không được kiểm soát chặt.
“Với công suất tăng gấp đôi, chúng tôi phải tăng cường lực lượng thanh, kiểm tra nguồn lợn đưa về địa phương giết mổ, thậm chí phải điều động cán bộ của các huyện lân cận sang phối hợp hỗ trợ giám sát 24/24 giờ ở cả 5 cơ sở giết mổ. Bởi không loại trừ, các thương lái này lại sử dụng các “chiêu thức” cũ - tiêm thuốc an thần cho lợn trên đường vận chuyển. Đây là “thủ đoạn” khá mới của các thương lái, chúng tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý vấn đề này nên chỉ còn cách phải tăng cường các biện pháp giám sát lâm sàng”, bà Khanh chia sẻ.
Ông Phạm Thành Hiệp, Giám đốc Trung tâm giết mổ Bình Tân (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, trong ngày hôm nay (3/10), cơ sở này đã phải tăng tối đa công suất giết mổ lợn. Bình thường cơ sở giết mổ này chỉ giết khoảng 1.000 con/ngày nhưng sáng nay lượng giết mổ đã tăng lên hết công suất, tức 1.500 con/ngày.
Theo ông Hiệp, hiện có nhiều thương lái gọi về xin đặt lịch giết mổ nhưng không dám nhận thêm, do sợ không kiểm soát tốt đầu vào. Rút kinh nghiệm từ vụ việc ở cơ sở Xuyên Á, Trung tâm giết mổ Bình Tân có gắn camera quan sát chặt chẽ hoạt động giết mổ tại lò Bình Tân, số cán bộ thú y cũng đã tăng lên 6 người. Đồng thời, tăng cường kiểm tra lâm sàng, những con lợn nào còn khỏe mạnh, đi đứng bình thường mới được cho vào giết mổ.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hầu hết lượng thịt lợn đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ đều được giết mổ ở cơ sở giết mổ Xuyên Á. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra quá đột ngột nên nhiều thương lái trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ sở giết mổ thay thế lò mổ Xuyên Á.
Trước đó, với mức độ nghiêm trọng xảy ra ở cơ sở giết mổ Xuyên Á, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của thành phố.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn chuyển giao giết mổ từ các cơ sở nhỏ, lẻ và cơ sở giết mổ lậu về các nhà máy công nghiệp tập trung, thay cho giết mổ thủ công như hiện nay.
Theo phương án Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 được UBND thành phố phê duyệt tháng 4/2016, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất giết mổ của các Nhà máy giết mổ công nghiệp khoảng 14.500 con lợn/ngày (tương ứng 1.015 tấn thịt lợn/ngày). Khi các Nhà máy giết mổ công nghiệp hoạt động ổn định, có thể đáp ứng 100% nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người dân thành phố.
Liên quan đến diễn biến vụ việc 3.750 con lợn bị tiêm thuốc an thần ở cơ sở giết mổ Xuyên Á, hiện lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đang tập trung tiêu hủy; đồng thời tăng cường xử lý, dứt khoát không để con lợn bị tiêm thuốc an thần nào lọt ra thị trường.
Đối với những nhân viên thú y được “cắm” chốt giám sát ở cơ sở giết mổ Xuyên Á, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã yêu cầu Chi cục Thú y đình chỉ công tác tổ trưởng và hai tổ phó thuộc Chi cục Thú y để phục vụ điều tra; đồng thời yêu cầu 17 nhân viên thú y liên quan viết bản kiểm điểm, tường trình.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 3/10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã giao phòng Thanh tra cùng đội Quản lý an toàn thực phẩm các chợ đầu mối có kế hoạch giám sát chặt chẽ toàn bộ nguồn thịt lợn của 13 thương lái đã được các cơ quan chức năng công bố có lợn tiêm thuốc an thần.
Theo đó, toàn bộ số lợn từ 13 thương lái có hành vi tiêm thuốc an thần cho lợn phải được lấy mẫu để kiểm tra thay vì chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm như trước đây.
“Chúng tôi đề nghị 100% số lợn của những thương lái trong danh sách “đen” này phải được kiểm tra không chỉ thuốc an thần mà còn phải kiểm tra các chất cấm khác như chất tạo nạc, chất tăng trọng...”, bà Lan đề nghị.
Trước đó, cơ quan chức năng đã công bố danh sách 13 thương lái có lợn tiêm chất an thần tại Cơ sở giết mổ Xuyên Á gồm Nguyễn Huy Hậu, Lưu Thanh Minh, Trần Văn Đạt, Nguyễn Văn Đám, Trần Trung Nghĩa, Trần Minh Tâm, Nguyễn Thị Phương Anh, Bùi Quốc Vượng, Trần Văn Đảo, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phạm Hồng Vỹ, Nguyễn Quốc Duy và Nguyễn Quốc Bảo. Các thương lái này đã bị xử phạt từ 32 - 35 triệu đồng cho hành vi tiêm thuốc an thần vào lợn.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc chỉ công khai tên thương lái là chưa đủ. Người tiêu dùng và các lò mổ cần biết rõ tên, tuổi, địa chỉ cụ thể, hình ảnh của các thương lái này nhằm ngăn ngừa khả năng các đối tượng này có thể tiếp tục tuồn lợn bẩn đến các lò mổ khác.